Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

BIỂU HIỆN, NGUYÊN NHÂN CỦA CĂN BỆNH “TÔ HỒNG” BÁO CÁO, GIẤU GIẾM KHUYẾT ĐIỂM

 

“Tô hồng” báo cáo, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, giấu giếm khuyết điểm để tạo nên sự vững mạnh giả tạo là một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với sự tồn vong của chế độ.

Bởi căn bệnh đó sẽ tấn công từ trong ra, làm suy giảm nghiêm trọng sức sống của Đảng. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu những năm cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Hiện nay, căn bệnh này đang lây lan trong phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, gây hại đến nhiều mặt của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Để có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, cần phải xác định rõ mầm mống, nguyên nhân gây ra bệnh.

Nhận diện căn bệnh này không quá khó nhưng phải qua kiểm tra, giám sát của tổ chức, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân mới phát hiện được chính xác. Hình thức biểu hiện của căn bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm này đó chính là báo cáo không trung thực, “báo cáo láo” với những con số rất đáng nghi ngờ. Cơ quan, đơn vị, địa phương công việc diễn ra bình bình, không có gì nổi trội nhưng thành tích trong báo cáo lại có nhiều điểm “nổi bật”, có khi được thổi phồng lên một cách không ngờ, khuyết điểm thì che giấu. Nhiều cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vi phạm kỷ luật không báo cáo để đủ điều kiện được biểu dương, khen thưởng, để được thăng tiến, “chui sâu, leo cao”.

Có thể thấy, càng gần đến dịp sơ kết, tổng kết, khi cấp trên xuống kiểm tra, có những hội nghị “trống giong cờ mở”, chuẩn bị chu đáo, thậm chí tốn nhiều thời gian và tài chính. Tất nhiên, cấp trên sẽ được thấy những con số đẹp, chỉ tiêu đẹp nằm trong bản báo cáo đẹp. Ưu điểm thì phóng đại lên thật to, phần hạn chế, khuyết điểm thì giấu đi không nói đến hoặc chung chung, đại khái, hoặc đổ lỗi cho khách quan, đổ lỗi cho cơ chế... Nhưng đến khi cấp trên kiểm tra, báo chí vào cuộc thì phát hiện nhiều sai phạm. Lúc ấy mới lộ ra là những “thành tích giấy”!

 “Tô hồng” thành tích, giấu giếm khuyết điểm nếu không phát hiện ra sẽ làm cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức đoàn thể lầm tưởng cái gì cấp dưới của mình thực hiện cũng hay, cũng tốt. Rộng ra là làm cho Đảng, Nhà nước đánh giá sai sự thật, đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thiếu khách quan, không sát thực tế.

Đây là căn bệnh nguy hiểm đã được V.I.Lênin chỉ ra: “Trong giáo dục đạo đức cộng sản, phải kiên quyết đấu tranh chống bệnh phô trương hình thức, thói kiêu ngạo, công thần... Bệnh đó là giặc nội xâm, bệnh từ bên trong mà ra, rất khó chữa, nếu không phát hiện sớm. Nó làm cho chúng ta suy nhược cơ thể, mất hết sức kháng cự. Nó tạo điều kiện, thậm chí “câu kết” với giặc bên ngoài phá nát “cơ thể” ta”.

Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm và kiên quyết chống căn bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm. Năm 1947, trong tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán bệnh thành tích và tệ báo cáo “không thật thà” trong Đảng. Người gọi đó là “bệnh hữu danh vô thực” cần phải nghiêm khắc sửa chữa. Người chỉ ra các biểu hiện như: “Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ lại rỗng tuếch”, “khuyết điểm thì giấu đi không nói đến”, “làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà”, “việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai”.

Đối với căn bệnh "tô hồng" thành tích, giấu giếm khuyết điểm được Đảng ta xác định là một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra, một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống là: Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được "đề cao, ca ngợi”; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”.

Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương "về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới” đã xác định các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, một trong các biểu hiện đó là: “Thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; sợ trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi; giấu giếm, bao che và không trung thực về những khuyết điểm, sai phạm”.

Tại sao bệnh “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm, phô trương thành tích lại có chiều hướng phát triển? Nhiều ý kiến chuyên gia phân tích cho rằng, trước hết đó là do tâm lý háo danh, chuộng hình thức, thích phô trương và nhất là tư tưởng kèn cựa danh hiệu, đố kỵ thứ hạng, “con gà tức nhau tiếng gáy” còn tồn tại trong suy nghĩ, nhận thức của không ít cán bộ, đảng viên, tổ chức, cơ quan.

Mặt khác, đối với một bộ phận cán bộ, chuyện “tô hồng” đánh bóng tên tuổi, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” không chỉ nhằm thỏa mãn mục đích thích được đề cao, ca ngợi mà sâu xa hơn, họ còn cố ý “bịt chặt” những lỗ hổng, khuyết điểm, sai trái của mình. Lúc ấy, thành tích sẽ trở thành “tấm bình phong” dễ bề che mắt thiên hạ! Báo cáo không trung thực sẽ là biện pháp hữu hiệu để những người lãnh đạo củng cố vị trí và thăng tiến, bởi những yếu kém, tồn tại được che giấu ở những bản thành tích không thật thà. 

Một lý do căn bản khác khiến cho bệnh thành tích lây lan, gây tác động tiêu cực đến chiều hướng phát triển lành mạnh của xã hội hiện nay, đó là do những khe hở, lỗ hổng trong cơ chế, chính sách. Một báo cáo “tô hồng” thành tích nhiều khi cũng bởi chính những áp lực từ những chỉ tiêu do cấp trên “giáng xuống”. Đôi khi chính cấp trên đã “bật đèn xanh” cho cấp dưới báo cáo sai sự thật, bắt buộc cấp dưới bằng mọi biện pháp phải hoàn thành để cấp trên còn báo cáo thành tích với cấp cao hơn. Thế nên nhiều cơ quan, đơn vị cả năm phấn đấu tốt nhưng chỉ vì một hành động sơ suất, vi phạm của một cá nhân lại đánh đổ cho cả đơn vị yếu kém. Quy định ngặt nghèo này nhiều khi cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đơn vị giấu giếm khuyết điểm, báo cáo không trung thực, hoặc qua loa, làm ngơ. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi còn tình trạng, cấp trên quan liêu, không sâu sát cơ sở, không kiểm tra, giám sát, đôn đốc thật sự, hoặc chỉ thích “thành tích”. Cấp dưới nắm được thóp này nên báo cáo không trung thực, “tô hồng” báo cáo. Việc thực hiện quy chế dân chủ không nghiêm, vai trò của quần chúng không được phát huy. Do đó, cấp trên không nghe được tiếng nói trung thực từ cơ sở.

Báo cáo “tô hồng”, thổi phồng thành tích, hơn ai hết, người trong cuộc, trong cơ quan, đơn vị đều biết, đều hiểu nhưng vì sao vẫn còn lặp đi lặp lại, thậm chí trở thành phong trào chạy đua thành tích. Điều này đã được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ. Đó chính là vì “tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau. Khi có khuyết điểm thì giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật.

Thực tế thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao mắc sai phạm nhưng tổ chức đảng không phát hiện ra mà chủ yếu do báo chí và nhân dân phát hiện. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khi phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua không khỏi trăn trở: “Có nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí ra tòa, nhưng trước đó đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Trước đó, trong bài viết "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý tới yêu cầu phải trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường trong lựa chọn cán bộ: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Bằng những tấm bằng khen của các cấp nhưng lại làm mờ dần đi tính trung thực, đưa lối suy nghĩ, việc làm dối trá lên hàng đầu mà quên đi cái hiện thực không mấy tốt đẹp bên ngoài bản báo cáo. 

Đáng nói, căn bệnh “tô hồng” báo cáo, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi, giấu giếm khuyết điểm đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong công tác xây dựng Đảng cũng như gây cản trở sự phát triển lành mạnh của đất nước ta. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần có trách nhiệm tham gia phòng, chống căn bệnh này.

 

3 nhận xét:

  1. Cần kiên quyết chống các biểu hiện “tô hồng” báo cáo, thổi phồng thành tích và giấu giếm khuyết điểm. Thực hiện nghiêm chế độ phê bình và tự phê bình, trung thực, thẳng thắn xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, đất nước phồn vinh.K10

    Trả lờiXóa
  2. Căn bệnh này đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong công tác xây dựng Đảng cũng như gây cản trở sự phát triển lành mạnh của đất nước ta. K10

    Trả lờiXóa
  3. Mỗi cán bộ, đảng viên cần có trách nhiệm tham gia phòng, chống căn bệnh này. K10

    Trả lờiXóa