Sau khi Bác mất, nhiều
học trò của Người đã phấn đấu học làm người hiền tài, trong đó có nhiều thành
công. Từ thực tiễn đó, việc chọn người hiền tài từng được đặt ra nhưng chưa có
nhiều kết quả. Riêng việc chọn người ra làm việc nước - việc dân đã được tiến
hành theo phương thức bầu cử, điển hình là bầu chọn cán bộ cấp chiến lược qua
các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 (nhiệm
kỳ 2021-2025), số được lựa chọn là 200 người, trong đó 180 người chính thức, 20
người dự khuyết. Tất cả được tập hợp lại trong Ban chấp hành Trung ương, sau đó
được phân định thành những người trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người đứng đầu
các ban của Đảng, người đứng đầu các tổ chức lập pháp, hành pháp, tư pháp,
người đứng đầu các bộ, ngành, người đứng đầu các tổ chức đảng và chính
quyền cấp tỉnh, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Những thành viên Ban
chấp hành Trung ương Đảng đồng thời là những người đứng đầu các tổ chức của
Đảng, nhà nước, đoàn thể trên đây tuy chưa ai được vinh danh là người hiền tài
của đất nước, nhưng tất cả đều là cán bộ cấp chiến lược.
Những cán bộ này đã
trải qua hàng loạt cuộc sàng lọc với những công cụ, trong đó không thể không kể
tới Qui chế về những điều đảng viên không được làm; qui chế về ứng cử, đề cử,
bầu cử trong Đảng; qui chề về bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; qui chế
về người đứng đầu; qui chế về tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách...
Gần đây đang manh nha
hình thành qui chế thi tuyển công chức, viên chức vào bộ máy hành chính nhà
nước các cấp. Những công cụ đó cho phép sàng lọc để chọn được cán bộ đủ tiêu
chuẩn. Trung ương Đảng vừa tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện công cuộc chống
tham nhũng (2012-2022), công bố những số liệu chưa từng có trong toàn bộ lịch
sử Đảng từ năm 1930 đến nay.
Trong 10 năm qua, Ủy
ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2,7 nghìn tổ chức Đảng, gần 168
nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7,3 nghìn đảng viên tham nhũng. Đặc biệt, đã
có trên 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý (với 33 ủy viên Trung ương,
20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang) đã bị thi hành kỷ luật. Riêng các
vụ do Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, đã thu về công quĩ được trên 50 nghìn tỷ
đồng từ tham nhũng.
Những số liệu trên cho
thấy hệ thống sàng lọc cán bộ tuy đã dày đặc, nhưng vẫn để lọt những cán bộ
"rởm” chỉ trong một thập kỷ qua. Những cán bộ "rởm” kia đã từ một bộ
phận nhỏ biến thành không nhỏ, rồi thành một thế lực đục khoét, phá hoại công
cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ở hai đầu của công tác
nhân sự, việc truy tìm “nội xâm” đã thu được những kết quả đầy ấn tượng sau 10
năm quyết liệt, nhưng công cuộc ấy dù thành công đến đâu cũng chỉ là để xóa bỏ
những kẻ bất nhân bất nghĩa, còn thay vào đó là những vị đại nghĩa chí nhân thì
phải nhờ vào việc tìm người hiền tài.
“Tuy mạnh yếu có lúc
khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”, đó là điều khẳng định của tiền nhân
Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo năm 1428. Nước Việt Nam hiện nay cũng không
nằm ngoài khẳng định đó, tức là đã và đang có những người hiền tài. Việc chưa
tìm chọn được những người hiền tài là phí phạm to lớn ở tầm nguyên khí quốc
gia.
Đây là một trong những
nguyên nhân hàng đầu khiến đất nước chưa tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc
đến được mục tiêu Dân giàu - Nước mạnh - Dân chủ - Công bằng - Văn minh mà toàn
Đảng, toàn dân kỳ vọng lâu nay. Thành tựu 30 năm Đổi Mới của Việt Nam vẫn thấp
thua so với 30 năm phát triển trong quá khứ của một số quốc gia châu Á. Vấn đề
tìm chọn người hiền tài cho đất nước lúc này cần được đặt ra ở tầm cấp bách,
không thể tiếp tục trì hoãn.
Kỳ vọng về chống tham
nhũng đang có những kỳ tích; người xung kích trong kỳ tích này đương nhiên là
một người hiền tài. Nhiều ngành đang cần người hiền tài để vượt qua những bế
tắc hiện hữu. Nhiều tỉnh thành đang cần có người hiền tài để phát triển thành những
nơi đáng sống. Một nước Việt Nam cất cánh lên thịnh vượng đang cần người hiền
tài để biến kỳ vọng thành hiện thực.
Đã đến lúc phải bắt tay
vào công cuộc tìm chọn người hiền tài để thực hiện những việc được xác định là
cốt lõi, đột phá, trọng tâm, trọng điểm, tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao... luôn
được ghi đậm trong tất cả các nghị quyết Đại hội Đảng. Vậy là ở hai đầu của
công tác nhân sự, một đầu là xóa bỏ nội xâm, đầu kia là tìm chọn người hiền
tài, cả hai đều có độ cần thiết cao và cấp bách lớn, phải đồng thời được tiến
hành, bổ sung cho nhau. Trong Bình Ngô Đại Cáo, chính Nguyễn Trãi đã tổng kết
và đưa ra triết lý về “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay
cường bạo”. Nếu không có đại nghĩa thì sao thắng được hung tàn, nếu không có chí
nhân thì sao thay được cường bạo.
Trong công tác nhân sự,
Đảng và Nhà nước đã dày công xác lập một đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, và một
thập kỷ qua đã chú trọng tới chống tham nhũng với đích danh là “nội xâm”. Ngoài
việc sử dụng bộ máy chuyên nghiệp và hệ thống chính sách, chế độ về công tác
nhân sự cả ở bên Đảng và bên Nhà nước, thì việc chống tham nhũng đã được thành
lập mới một tổ chức đầy quyền lực, đó là Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống
tham nhũng do Tổng bí thư làm trưởng ban. Sự xuất hiện Ban chỉ đạo này đã tạo
bước ngoặt trong công cuộc chống tham nhũng với kết quả đáng khích lệ như được
tổng kết vừa qua.
Ngày nay, đặt ra việc
tìm người hiền tài thì không chỉ là tìm những người hiền tài đã có sẵn, mà là
tìm người sẽ thành công khi giao thực hiện những việc mà những ai không phải là
người hiền tài thì không thể làm được. Đó là những việc thuộc loại cốt lõi, đột
phá... đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng và quốc sách của Nhà
nước. Những người này không nhất thiết phải nằm trong danh sách cán bộ cấp
chiến lược. Hãy thông báo những việc cần tìm người hiền tài, sẽ có người tự
nguyện đứng ra đảm nhiệm mà không cầu danh, cầu lợi. Đó chính là người hiền tài
trong tương lai.
TS Đinh Đức Sinh
Sáng suốt lựa chọn những hiền tài, bồi dưỡng, tạo điều kiện để họ được phát triển và xây dựng đất nước.K10
Trả lờiXóaLựa chọn những người có đức.có tài để xây dựng đất nước.k10
Trả lờiXóa