Nhấn mạnh bảo vệ
nền văn hóa là nội dung rất quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các
cấp, các ngành và tuổi trẻ cả nước cần tích cực thực hiện nhiều biện pháp để
phát huy vai trò của tuổi trẻ trong bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá của đất
nước.
Ngày 11/5, Trung ương
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban
Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình
Việt Nam và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo
“Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi
trẻ”.
Tham dự, chỉ đạo Hội
thảo có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban
Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ
nhất Trung ương Đoàn, lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng sự tham dự, theo
dõi của hơn 5.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên theo hình thức trực tiếp tại
điểm cầu Hà Nội và 63 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực
thuộc; đồng thời, phát sóng trực tuyến trên tất cả các nền tảng số của Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh.
Bảo vệ nền văn hóa là
bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Vui mừng khi thời
gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều
phong trào và hoạt động rất cụ thể để góp phần giữ gìn, bảo tồn phát huy bản
sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá trong bối cảnh chuyển
đổi số, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn
Trọng Nghĩa cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh cách mạng công
nghiệp lần thứ 4, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, của
chuyển đổi số, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức trong việc bảo vệ biên
cương tư tưởng văn hoá.
Đó là: sự xâm nhập
của các sản phẩm văn hoá xuyên quốc gia bên cạnh những điểm tích cực, cũng còn
có những thách thức khi những giá trị không phù hợp với văn hoá Việt Nam, thậm
chí có cả những sản phẩm “độc hại” đang tác động và ảnh hưởng đến người dân,
đặc biệt là thế hệ trẻ. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng không gian mạng,
nhất là các trang mạng xã hội để tán phát các tài liệu có nội dung xuyên tạc,
chống phá Đảng và Nhà nước, chế độ. Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề
kháng tốt, rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực, từ đó dẫn đến “tự
diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và việc
thi hành pháp luật để kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, phát
hành các sản phẩm văn hoá cần tiếp tục hoàn thiện và chặt chẽ hơn. Ngành công
nghiệp văn hoá ở Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây,
nhưng để vươn ra thế giới với sứ mệnh chấn hưng văn hoá Việt Nam trên trường
quốc tế, vẫn cần rất nhiều đầu tư, tầm nhìn chiến lược một cách đích đáng.
Nhắc lại Nghị quyết
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Chú trọng hơn giáo dục đạo
đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh
thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức
trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ” và tại Hội
nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định
các quan điểm của Đảng và của Bác Hồ: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”,
“Văn hóa còn là dân tộc còn”; “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”… Trưởng Ban
Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, bảo vệ nền văn hóa là nội dung rất quan trọng
trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để phát huy vai trò
của tuổi trẻ trong bảo vệ biên cương tư tưởng văn hoá của đất nước, đồng chí
Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các cấp, các
ngành và tuổi trẻ cả nước cần tiếp tục, kiên trì, đổi mới phương thức nghiên
cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà
nước trên lĩnh vực văn hóa. Tận dụng tối đa ưu thế của không gian mạng và quá
trình chuyển đổi số để nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về truyền thống lịch
sử của dân tộc, những giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc của dân tộc; về vị trí,
vai trò của văn hoá đối với quá trình phát triển đất nước. Coi trọng việc phát
triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách trong thanh thiếu nhi và xây dựng
thanh thiếu nhi phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn để phát
triển văn hóa. Bên cạnh đó, cần chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,
kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù
địch, nhất là trên không gian mạng với phương châm “Nhận thức đúng, thông tin
đủ, hành động nhanh, kết nối mạnh, lan toả rộng”.
Tạo môi trường và
phong trào để cổ vũ và thúc đẩy, khơi nguồn sáng tạo trong thanh thiếu nhi, xem
đây là yếu tố hết sức quan trọng để bảo tồn và phát triển văn hoá. Tổ chức Đoàn
cần tập trung, nghiên cứu, xác lập các giải pháp để hỗ trợ thanh niên khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa.
Đẩy mạnh chuyển đổi
số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch,
nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, mạng
xã hội… Phát huy vai trò của những người có uy tín, nhất là văn nghệ sĩ trong định
hướng những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Lan tỏa nhiều hơn nữa, đa dạng hơn
nữa những câu chuyện đẹp, những giá trị văn hóa tốt đẹp, tinh thần nhân ái,
đoàn kết, thủy chung, yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam; đấu tranh hiệu
quả với các quan điểm sai trái, các sản phẩm văn hóa độc hại...
Thường xuyên tham
mưu với các cấp ủy đảng; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, tổ chức
chính trị xã hội đầu tư hơn nữa cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn
hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; quan tâm tạo môi trường văn
hóa lành mạnh cho thanh thiếu nhi được tham gia, được trải nghiệm, phát huy hết
tài năng, năng khiếu. Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về
văn hóa, kịp thời ngăn chặn và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện, hành vi,
sản phẩm không lành mạnh, phản văn hoá. Tạo điều kiện khuyến khích các cơ quan
văn hóa, văn học nghệ thuật, điện ảnh, sáng tác và phổ biến nhiều công trình,
tác phẩm có giá trị giáo dục tốt cho thanh thiếu nhi.
Kịp thời nắm bắt,
định hướng và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong sáng tạo, hưởng thụ văn hóa
của thanh thiếu nhi
Phát biểu khai mạc
và đề dẫn hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng
Xuân Phương cho rằng, trong quá trình toàn cầu hoá và đẩy mạnh công nghiệp hoá,
hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, các giá trị văn hóa Việt Nam đã và đang phát
triển và khẳng định hơn vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều đó đã mở ra
cơ hội cho người dân Việt Nam được nâng cao tầm nhìn, tiếp thu tinh hoa văn hóa
nhân loại, nâng cao sự hiểu biết về nền văn hóa thế giới, làm phong phú thêm
đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Tuy nhiên, đi cùng
với quá trình toàn cầu hoá, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, kỷ
nguyên số đã và đang đặt ra rất nhiều thuận lợi, nhưng cũng rất nhiều khó khăn
thách thức cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam, nhất là công tác bảo vệ biên
cương văn hóa tư tưởng trên không gian mạng.
Thế hệ trẻ là
đối tượng thụ hưởng nhiều nhất của các sản phẩm văn hóa, đồng thời là đối tượng
có khả năng sáng tạo lớn nhất, tiềm năng nhất, đông đảo nhất tạo ra những sản
phẩm văn hóa xuyên quốc gia mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Với gần 60 tham
luận, các ý kiến tập trung trên 2 nhóm vấn đề chính: Nhận diện tầm quan trọng,
tác động, ảnh hưởng của không gian mạng, của các dịch vụ văn hóa xuyên biên
giới đối với công tác bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong giai đoạn hiện
nay. Trên cơ sở đó phân tích nguyên nhân đề xuất, kiến nghị giải pháp với Đảng,
Nhà nước bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng trong kỷ nguyên số.
Đồng thời, phân
tích về vị trí, vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam trong
việc tham gia xây dựng và phát triển các dịch vụ văn hóa xuyên biên giới phù
hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn Việt Nam, qua đó góp phần thiết thực bảo
vệ biên cương văn hóa tư tưởng của Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Phát biểu kết luận
Hội thảo, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn
Bùi Quang Huy cho biết, các ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định văn hóa với vai
trò là “sức mạnh mềm” đang tác động mạnh mẽ đến mọi phương diện của đời sống xã
hội.
Nhắc tới các ý kiến
nhấn mạnh tầm quan trọng của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam
trong việc góp bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng, đồng chí Bùi Quang Huy yêu
cầu, tổ chức Đoàn cần tăng cường truyền bá, phổ biến các giá trị văn hóa truyền
thống, giáo dục tri thức về văn hóa dân tộc trong xã hội, bắt đầu từ thiếu nhi;
các cấp bộ đoàn cần làm tốt công tác chủ động theo dõi và kịp
thời nắm bắt,
định hướng và xử lý các biểu hiện lệch lạc trong việc tham gia sáng tạo, hưởng
thụ văn hóa của thanh thiếu nhi cũng như kịp thời có các biện pháp, cách thức
đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa, “xâm lăng
văn hóa”; tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý
thức trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và miễn dịch với các âm mưu chống
phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa đến thanh thiếu
nhi.