Quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển là một công cụ sắc bén để phân tích các vấn đề xã hội và tìm ra những giải pháp thích hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó cũng là công cụ nhận thức quan trọng để Đảng ta kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.
Quan điểm khách quan yêu cầu
trong nhận thức và hoạt động thực tiễn phải phản ánh trung thực sự vật, hiện tượng
với tất cả bản chất, những mối quan hệ vốn có của nó; nắm vững và tôn trọng những
quy luật khách quan của hiện thực; đồng thời, không rơi vào chủ quan duy ý chí;
không được lấy ý chí chủ quan, ý muốn chủ quan, nguyện vọng, tình cảm cá nhân để
áp đặt cho thực tế.
Quan điểm toàn diện đòi hỏi
phải xem xét toàn diện các mối liên hệ của sự vật, hiện tượng và mối liên hệ giữa
các yếu tố, bộ phận cấu thành và những mắt khâu trung gian, gián tiếp của
chúng; cả hiện tại, quá khứ và xu hướng phát triển trong tương lai; phải đồng bộ,
không cục bộ, phiến diện. Song trong mối liên hệ cụ thể, từng giai đoạn phải nắm
đúng trọng tâm, then chốt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh dàn trải, không
viển vông, ảo tưởng. Trong quá trình xem xét toàn bộ mối liên hệ, bản chất, quy
luật của các sự vật, hiện tượng, phải dự báo được khả năng vận động, phát triển;
chống mọi biểu hiện trì trệ, bảo thủ.
Quan điểm lịch sử, cụ thể chỉ
rõ trong nhận thức và hoạt động thực tiễn phải xem xét đúng các quá trình, các
giai đoạn phát triển của các sự vật, hiện tượng; nhận thức được những thuộc
tính, những mối liên hệ tất yếu, bản chất vốn có của sự vật, hiện tượng trong
các hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Chỉ ra được mối liên hệ, quy luật khách quan;
vị trí, vai trò của từng mối liên hệ quy định sự vận động, phát triển của sự vật,
hiện tượng. Đồng thời, cần phải đấu tranh chống mọi biểu hiện xa rời thực tiễn
với những điều kiện, hoàn cảnh riêng.
Quan điểm phát triển đòi hỏi
phải nắm được khuynh hướng phát triển của sự vật, hiện tượng; phải khái quát và
làm sáng rõ được xu hướng vận động, phát triển chủ đạo trong cả tự nhiên, xã hội
và mỗi con người. Sự phát triển là quá trình biện chứng, có tính chất quanh co,
phức tạp, thậm chí có những bước tụt lùi tạm thời, nhưng tất yếu cái mới sẽ ra
đời. Do đó, cần phải có niềm tin vào sự tất thắng của cái mới, đấu tranh, loại
bỏ mọi lực cản ảnh hưởng sự phát triển của tự nhiên, xã hội và mỗi con người.
Giữ vững quan điểm khách
quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo
cách mạng Việt Nam, nhất là trong gần 40 năm đổi mới đất nước, Đảng ta luôn
kiên định: Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy
luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết
thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn
đề do thực tiễn đặt ra. Đảng đề ra chiến lược phát triển tổng thể là: Đẩy mạnh
toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo
đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển
kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa
là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo bài
học tôn trọng thực tiễn khách quan, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần
nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và
phát triển để đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, tiếp tục đẩy mạnh
toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển trong
giai đoạn mới; quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc; thể hiện tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước với những
bước đi, lộ trình cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045, để phấn đấu đến giữa
thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ
nghĩa (XHCN).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét