Đêm 24/12/1972, một cán bộ cùng 66
người của Đại đội 915 trong đó có bà Loan nhận nhiệm vụ giải
tỏa hàng hóa ở các kho nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của địch.
Sau một ngày đói lả do làm việc liên
tục bởi sợ máy bay Mỹ ném bom, bất ngờ báo động B52 rải thảm khu Hà Nội - Thái
Nguyên vang lên khi nhà bếp chuẩn bị chia cơm. Đại đội được lệnh xuống hầm trú
ẩn nhưng nhóm của bà Loan
cố nán lại để bốc thêm hàng hóa. Thấy tiếng máy bay ngày càng gần họ mới chạy
đến cửa hầm số 3, đúng lúc bom dội thẳng xuống.
Sau trận bom, cả đội của bà Loan được
xác định chỉ có 6 người sống sót. 61 người hy sinh được đưa về nghĩa trang Dốc
Lim chờ sáng hôm sau an táng. Khi chuẩn bị chôn cất, mọi người phát hiện người bà Loan vẫn còn sống.
Trước khi bị dội bom, nam thanh niên
xung phong quê Bắc Kạn Hoàng Văn Thắng đang ngồi trước cửa hầm chờ cơm. Đó cũng
là lần cuối cùng anh nhìn thấy người yêu mình và đồng đội còn sống.
Chàng thanh niên 17 tuổi khi đó chỉ
nhớ một tiếng nổ lớn bỗng dội thẳng vào tai, hơi nóng của bom phả vào hầm như ở
trong lò khiến anh bật ra ngoài, rồi ngất lịm. "Đồng đội chỉ cách tôi một,
hai bước chân. Sau vài phút tôi được đưa đến trạm xá còn họ đa phần đã
chết", ông Thắng kể.
Không có mặt tại ga Lưu Xá thời điểm
đó, nhưng ký ức kinh hoàng về đêm Noel 1972 vẫn hằn sâu trong trí óc của cựu
thanh niên xung phong Vũ Đình Ý, quê Thái Nguyên. Ông chính là người trực tiếp
đi gom xác 60 đồng đội sau trận bom.
Ở tuổi 17 ông Ý là thanh niên xung
phong của Đội 91 Bắc Thái. Khi tiếng bom vừa kết thúc, đại đội của ông được cử
đến ga Lưu Xá làm nhiệm vụ đặc biệt: Đào bới tìm xác đồng đội. "Trong bóng
đêm đen đặc chúng tôi vừa soi đèn vừa tìm đồng đội. Người nguyên vẹn, người
không, xác chồng lên nhau nên chỉ dám bới đất bằng tay vì sợ làm đau người đã
khuất", người đàn ông 69 tuổi nói.
Đến giờ ông vẫn ám ảnh cảnh tượng
máu, xương, da thịt của đồng đội đều nằm trên đôi tay trần của mình.
Túc trực tại nghĩa trang, nhận hơn 20
thi thể còn nguyên vẹn trong tổng số 60 người, bà Trần Thị Hoài, cựu thanh niên
xung phong Đại đội 911, Đội 91 Bắc Thái lấy khăn mùi xoa thấm nước lau kỹ mặt
cho họ đỡ lấm lem.
Bà kể cả thành phố Thái Nguyên khi đó
chỉ có một xưởng mộc. Số người chết quá lớn không đủ gỗ để đóng quan tài, phải
tận dụng cả miếng cong, vênh, miễn đủ 6 tấm ván ghép lại.
Là người đưa đồng đội cuối cùng về
nơi an táng lúc nửa đêm, bà Hoài khi đó gần như kiệt sức. Nhìn nữ thanh niên
xung phong chạc tuổi mình nằm trước mặt như đang ngủ, bà bỗng òa khóc, bao
nhiêu cảm xúc dồn nén nguyên ngày nay mới thành tiếng.
"Ngày mới vào đội tôi sợ bóng
đêm, sợ cái chết. Nhưng khi chứng kiến thời khắc sinh tử lại có thêm dũng khí
để giữ vững tinh thần sống bám cầu đường, sống kiên cường bất khuất", bà
Hoài kể.
Sau trận bom này, bà cùng 60 người ở
các đại đội khác được bổ sung để duy trì quân số cho Đại đội 915. Tháng 1/1973,
Hiệp định Paris được ký kết, toàn Đội 91 Bắc Thái tiếp tục khắc phục hậu quả
chiến tranh trước khi giải thể. Mọi người trở về quê hương, dần mất liên lạc
của nhau.
Năm 2009, Chủ tịch nước ký quyết định
truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Đại đội
915, đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái. Trước đó tháng 12/2008, Ban liên
lạc Đại đội 915 cũng được thành lập, để hội tụ nghĩa tình đồng đội, giữ ngọn
lửa cách mạng cũng như phiên hiệu 915 của Đại đội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét