7 giờ ngày 30-12-1972
(giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20
trở ra. Cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải
Phòng và một số địa phương miền Bắc nước ta kéo dài 12 ngày đêm của đế quốc Mỹ
đã thất bại hoàn toàn...
Tháng 3-1966, đến thăm Quân chủng Phòng
không-Không quân (PK-KQ), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Mỹ đã đưa B-52 vào chiến trường, liên tiếp
gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Ngay từ bây giờ, các chú phải nghiên
cứu, chuẩn bị đối phó với B-52, vì sớm muộn, Mỹ sẽ dùng loại máy bay này đánh
phá miền Bắc... Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, phải quyết tâm
đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thực hiện chỉ thị của Người, từ giữa năm 1966,
Quân chủng PK-KQ đã đưa các đơn vị tên lửa, radar, không quân tiêm kích và
nhiều cán bộ tham mưu, kỹ thuật vào Khu 4 nghiên cứu cách đánh máy bay B-52.
Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn
dặn Đại tá Phùng Thế Tài, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt
Nam: Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới
chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian
mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy
diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi
thua trên bầu trời Hà Nội.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Quân đội ta đã chủ động nghiên cứu địch, sớm chuẩn bị lực lượng, tìm cách
đánh sáng tạo, phù hợp, quan tâm xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng
khắp trên cả nước, vừa chiến đấu, vừa chi viện đắc lực cho chiến trường miền
Nam, sẵn sàng đánh thắng không quân Mỹ khi chúng tấn công trên quy mô lớn,
quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bộ đội Radar,
Bộ đội Tên lửa đã vượt lên mọi khó khăn, ác liệt, vừa cơ động kịp thời, phòng
tránh, đánh trả hiệu quả, vừa phát huy tinh thần thông minh, sáng tạo, tích cực
phối hợp nghiên cứu “vạch nhiễu tìm thù”, “thử lửa” thành công, xây dựng nên
cách đánh B-52…
Ngày 24-11-1972, Tổng Tham mưu trưởng
Văn Tiến Dũng thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải
Phòng của Quân chủng PK-KQ. Đầu tháng 12-1972, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ
nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhận định: “Để gây sức ép với ta, trước sau
Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng
PK-KQ, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.
Có thể thấy, về mặt chiến lược, Trung
ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã hoàn
toàn chủ động, không hề bị bất ngờ trước “mưu thâm”, “kế hiểm” của đế quốc Mỹ.
Nói cách khác, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đã được phát huy cao độ trong quá
trình chuẩn bị đánh bại cuộc tập kích chiến lược của không lực Hoa Kỳ trên bầu
trời miền Bắc.
Lúc 19 giờ 10 phút ngày 18-12-1972, hệ
thống radar của ta bắt được tín hiệu chiếc B-52 đầu tiên hướng về Hà Nội, mở
đầu đòn tập kích chiến lược của địch. Do đánh giá chính xác âm mưu, hành
động của địch, có sự chuẩn bị sớm từ trước, lúc 20 giờ 13 phút, Bộ đội Tên lửa
bắn hạ chiếc B-52 đầu tiên (rơi tại Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội). Giáo sư Sử
học người Mỹ Weldon A.Brown mô tả: “Trong 12 ngày đêm liên tục, Mỹ đã tiến
hành một cuộc ném bom rải thảm mà sự tàn phá đã lớn hơn sự tàn phá của các cuộc
ném bom suốt trong cả cuộc chiến tranh từ trước đó cho tới lúc bấy giờ”. Tuy
nhiên, bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, trải qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân
và dân miền Bắc đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34
chiếc B-52, bắt sống nhiều giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược.
Trong lịch sử nước Mỹ, có lẽ nhiều đời
sau sẽ vẫn phải khắc khoải bởi đọc những trang viết buồn vì cha ông của họ đã
gây nên cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu, phi nhân tính ở Việt Nam và sẽ còn
tốn nhiều thời gian, công sức, giấy mực để tìm lời giải đáp: Vì sao một siêu
cường lại thất bại cay đắng ở Việt Nam? Tại sao siêu pháo đài bay B-52-vũ khí
tối tân hiện đại nhất, niềm kiêu hãnh, tự hào của nền khoa học-công nghệ quân
sự Mỹ, lại tan xác trên bầu trời Hà Nội? Tại sao cha ông của họ buộc phải ngồi
vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973?...
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là niềm kiêu hãnh, là bài học quý giá về sự sáng tạo, lòng dũng cảm và chiến thuật quân sự tài tình trong chống tiến công hỏa lực đường không của quân và dân ta.
Trả lờiXóa