Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

CAN BỘ “7 DÁM” VÀ BÀI TOÁN “ĐẦU VÀO”

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân ủy Trung ương ngày 3-7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã nhấn mạnh: Cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao...; phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần "7 dám": "Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung".

Những chỉ đạo của người đứng đầu Đảng và Quân ủy Trung ương về cán bộ Quân đội “7 dám”, cao hơn một mức so với “6 dám” của đội ngũ cán bộ nói chung là rất đúng đắn, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của Quân đội, đồng thời xuất phát từ thực tế đang đòi hỏi, như Tổng Bí thư phân tích và yêu cầu: Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tôi yêu cầu trong Quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra, bởi người cán bộ, chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị...

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để từ đó có chủ trương, giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót thật hiệu quả, chúng ta thấy rằng: Bên cạnh đa số cán bộ Quân đội có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ thì hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ, sĩ quan trẻ chưa có đủ “7 dám”. Đáng lo ngại hơn là những năm gần đây, số thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường Quân đội có xu hướng giảm và ngày càng ít người giỏi có nguyện vọng được công tác trong Quân đội; rồi một số cán bộ, sĩ quan trẻ thiếu nhiệt huyết phấn đấu, muốn chuyển ngành. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị nói riêng, của toàn quân nói chung. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do có sự so sánh về thu nhập, mức độ cống hiến, cường độ lao động, áp lực công việc, thời gian dành cho gia đình... Không cần tính chi li mà chỉ nhìn sơ qua đã thấy cán bộ Quân đội quá nhiều thiệt thòi, vất vả, gian khổ, hy sinh so với người lao động ở những ngành nghề khác. Thực tế, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân đã có rất nhiều giải pháp quan tâm, động viên, đào tạo, bồi dưỡng, định hướng và phát huy vai trò, trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ học viên sĩ quan, cán bộ trẻ phấn đấu, trưởng thành. Thế nhưng, so với thế hệ cha anh thì nhiều cán bộ, sĩ quan trẻ không chỉ thua về bản lĩnh, lòng nhiệt tình cách mạng, ý chí phấn đấu mà còn thua về sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, sức chịu đựng khó khăn, gian khổ, trình độ và năng lực hành động thực tiễn... Đối chiếu với tiêu chuẩn “7 dám” thì không ít cán bộ, sĩ quan trẻ chưa đạt được, nhất là việc dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung-những phẩm chất quan trọng hàng đầu của cán bộ Quân đội. Với tinh thần nói đúng sự thật, trong thực tiễn đời sống xã hội hiện nay, chúng ta cần có ngay giải pháp tạo động lực, quyết tâm phấn đấu cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ. Lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm, động viên và đặc biệt là có chế độ, chính sách ưu đãi cần thiết để khích lệ, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, nỗ lực cống hiến. Khi cán bộ, sĩ quan trẻ thực sự yên tâm công tác, “nghề” bộ đội được xã hội trân quý thì các thế hệ học sinh và nhiều người giỏi sẽ có nguyện vọng được công tác trong Quân đội. Giải được bài toán “đầu vào”, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo tiêu chuẩn “7 dám” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương yêu cầu là việc quan trọng hàng đầu để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới!

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét