Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

BÍ QUYẾT HẠ GIẶC TRỜI

 

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn sinh năm 1938, quê ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. 16 tuổi, chỉ nặng 35kg, nhưng chàng trai Đinh Thế Văn đã trốn gia đình đi thanh niên xung phong để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

18 năm sau, trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), ông đã chỉ huy Tiểu đoàn lập công xuất sắc, là một trong những đơn vị bắn rơi nhiều B-52 nhất (4 chiếc), góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến 12 ngày đêm tháng 12-1972.

Nhớ lại những ngày tháng hào hùng của dân tộc. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Đinh Thế Văn cho hay: "Nhận định sớm hay muộn địch sẽ cho không quân đánh phá Thủ đô, tháng 3-1972, Tiểu đoàn 77 được lệnh bố trí trận địa ở Chèm thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) để bảo vệ Hà Nội. Ngày 16-4-1972, đế quốc Mỹ dùng B-52 đánh Hải Phòng và Quân khu 4. Bộ đội ta đã bắn nhiều đạn tên lửa nhưng chưa hạ được chiếc B-52 nào. Trước tình hình trên, Tiểu đoàn tăng cường luyện tập các phương án để quyết hạ bằng được "pháo đài bay", trong đó tập trung luyện tập cách đánh nhanh phát sóng bắt mục tiêu trong nhiễu để phát huy cao nhất tính năng của khí tài mà vẫn tránh được tên lửa Shrike. Có lần, đơn vị đang huấn luyện thì đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) xuống động viên và nhắc nhở: “Cả thắng và không thắng đều phải tổ chức rút kinh nghiệm, tìm bằng được câu trả lời: Tại sao máy bay rơi và tại sao mục tiêu không rơi?. Gần 20 năm quân ngũ, trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt nhưng chưa bao giờ tôi lo lắng như lúc này. Giữa tháng 4-1972, các đơn vị tên lửa ở Hải Phòng nhả nhiều “rồng lửa”, nhưng “giặc trời” vẫn vô can. Và bối cảnh lúc ấy chưa có quân đội nào trên thế giới bắn được B-52. Là những người sắp đối đầu trực tiếp với "pháo đài bay", cả đơn vị không lo lắng sao được, bản thân tôi vốn đã gầy, nay sụt hơn 2kg”.

Chiều 18-12-1972, nhận lệnh từ sở chỉ huy cấp trên, Tiểu đoàn vào cấp 1, sẵn sàng đánh B-52 khi chúng xâm phạm vùng trời Hà Nội. Mặc dù đã huấn luyện nhuần nhuyễn các phương án đánh B-52; tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đều rất cao, nhưng kíp chiến đấu trên xe điều khiển, trên các bệ phóng, trên “chuồng cu” vẫn cảm thấy hồi hộp. Đêm hôm đó, Tiểu đoàn đánh 4 trận thì có 2 trận phải đánh bằng phương pháp 3 điểm (radar, tên lửa và máy bay địch trên một đường thẳng) trong nhiễu nặng nên không trúng mục tiêu. Xốc lại quyết tâm và đổi từ phương pháp 3 điểm (TT) sang phương pháp vượt nửa góc (PS), nghĩa là điều khiển quả đạn tên lửa luôn đón trước nửa góc so với mục tiêu. Dùng phương pháp này đòi hỏi các trắc thủ phải dũng cảm, thao tác nhanh gọn, phối hợp đồng bộ vì nếu tắt sóng radar chậm thì địch phát hiện và có thể dùng tên lửa Shrike bắn vào trận địa. 4 giờ 39 phút ngày 19-12, sử dụng phương pháp vượt nửa góc, Tiểu đoàn 77 bắn chiếc B-52 rơi tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Tây-nay thuộc TP Hà Nội). Đêm 20 rạng sáng ngày 21-12, Tiểu đoàn 77 tiếp tục bắn 2 chiếc B-52 rơi tại Ba Vì và Phúc Yên...

 

1 nhận xét:

  1. Chúng ta cần phải học tập và noi theo những tấm gương của các thế hệ cha ông. Những kinh nhiệm xương máu đã đúc kết.k10

    Trả lờiXóa