Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

KIỀU BÀO YÊU TRƯỜNG SA, CẢ NƯỚC VÌ TRƯỜNG SA

 

Rưng rưng hát lại vài câu trong lời ca “Tình em quê nhà, tình anh đảo xa” được phỏng theo làn điệu dân ca Quan họ, chị Lê Thị Bích Hường, Chủ tịch Hiệp hội Italy-Việt Nam đã không cầm được nước mắt khi kể lại kỷ niệm chuyến đi năm 2018 của mình. “Lần nào nhắc đến Trường Sa tôi cũng không kìm được lòng. Hành trình của chuyến đi thật quá ấn tượng. Lễ chào cờ ở cột mốc chủ quyền rồi cả những cảm xúc khó tả khi được lên thăm đảo lớn, đảo chìm đảo nổi. Nhìn những chiến sĩ tay bồng súng đứng canh cột mốc. 
Đại đa số các chiến sĩ đều còn rất trẻ như con trai tôi (chỉ khoảng 19-20 tuổi). Họ hát ca vui vẻ, dùng tiếng hát, tiếng đàn ghi-ta để chào đón chúng tôi. Chúng tôi càng cảm phục ý chí kiên cường của các chiến sĩ. Cả người dân trên đảo nữa. Họ sẵn sàng chống chọi với muôn vàn khó khăn, một tấc cũng không lui, không dời để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự có mặt của người dân đã khẳng định sự trường tồn của đảo. Tôi không bao giờ quên khoảnh khắc một chiến sĩ trẻ lại gần nói với tôi: “U ơi, con có thể ôm u một lúc được không?”. Có lẽ chiếc khăn mỏ quạ cùng áo tứ thân của tôi đã gợi nhớ về hình ảnh người mẹ ở quê nhà của chiến sĩ đó… Và còn nhiều, còn nhiều câu chuyện khác nữa đã in đậm dấu ấn trong trái tim tôi”, chị Lê Thị Bích Hường tâm sự.

Cùng chuyến đi với chị Lê Thị Bích Hường năm đó còn có nữ nhà văn Hiệu Constant (kiều bào Pháp). “Hành trình hơn 1.000 hải lý cùng 200 thành viên của đoàn công tác số 10 trên con tàu KN491 là những kỷ niệm về một gia đình đặc biệt, đầy ắp tình yêu quê hương, biển đảo, tràn ngập tiếng cười và nhất là sự xúc động đôi khi không thể nói được bằng lời… Chỉ trong có 10 ngày thôi mà tôi như sống rất nhiều cuộc đời, có vui, có hân hoan và còn có cả những giọt nước mắt, lúc ngậm ngùi khi hoan hỉ. Tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Và trên hết, tôi đã cảm nhận sâu sắc rằng mỗi nhành san hô, mỗi hạt cát và cỏ cây nơi đây đều mang hồn thiêng dân tộc, thấm đẫm mồ hôi và xương máu của nhiều thế hệ con dân đất Việt”, nhà văn Hiệu Constant viết trong cuốn truyện ký mang tên “Kiều bào với Trường Sa” xuất bản hồi tháng 5. Cũng theo lời kể của chị Hiệu Constant, dù từng chứng kiến và tham dự vô vàn buổi lễ chào cờ của nhiều thế hệ, nghe Quốc ca của nhiều nước trên thế giới, xem các đoàn duyệt binh còn hoành tráng hơn nhiều, song buổi chào cờ tại đảo Song Tử Tây vẫn gây nhiều xúc động. “Nhất là khi được nghe giọng nói rắn rỏi, trang nghiêm của một chiến sĩ trẻ đọc 10 lời thề. Tôi nhận thấy ánh mắt rưng rưng của các cán bộ lãnh đạo đoàn công tác và những dòng lệ đọng trên mi rồi lăn dài trên má của một số đại biểu kiều bào, cảm nhận những bước đi vững mạnh kiêu hùng của các đoàn duyệt binh… Trường Sa, hai tiếng thân thương, luôn vang mãi trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt, nhất là với những người con xa xứ. Tất cả những kiều bào mà tôi đã may mắn phỏng vấn, ai cũng tự nguyện biến mình thành cánh én để loan tin, để làm lan toả những gì mình mắt thấy tai nghe về chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Trường Sa… Giờ đây, Trường Sa không còn xa nữa”, nhà văn Hiệu Constant chia sẻ.

Trong khi đó, chị Cao Hồng Vinh, Chủ tịch CLB Hoàng Sa Trường Sa tại Ba Lan vẫn lưu giữ con gốc biển nhỏ do một chiến sĩ ở Trường Sa tặng trong lần tới thăm đảo. “Mỗi lần đến đảo, chúng tôi lại cảm nhận được tình cảm ấm áp như trở về ngôi nhà thân thương của mình. Tôi còn nhớ như in cảnh một chiến sĩ đi tìm đồng hương trong đoàn để nhờ gửi lời hỏi thăm gia đình. Hay tâm tình của một chiến sĩ trẻ nhớ người yêu. Ngày nào, chiến sĩ đó cũng thu nhặt ốc biển, rửa sạch và gói gém kỹ để chờ dịp gửi về cho người yêu. Còn có câu chuyện về bé con đến trường và sự vất vả của các thầy cô giáo dạy con chữ cho lũ trẻ trên đảo… Nhiều lắm những câu chuyện trên đảo chìm đảo nổi. Chính Trường Sa đã trở thành sợi dây kết nối chúng tôi. Chỉ cần gặp bất cứ ai ở trời Tây mà nói đến đã thăm Trường Sa thì như thân thiết một nhà. Chúng tôi thành lập CLB Trường Sa-Hoàng Sa ở châu Âu để vừa là nơi ôn kỷ niệm, vừa là nơi để chia sẻ kế hoạch hỗ trợ Trường Sa. Và trong tim chúng tôi vẫn luôn ghi nhớ câu thơ đầy cảm xúc về Trường Sa của anh Giáp Quang Chung, kiều bào Hungary: “Trường Sa xin đến một lần/Để mang Tổ quốc lại gần trong tim”.

6 nhận xét:

  1. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. K10

    Trả lờiXóa
  2. Kiều bào ta cùng với cả nước luôn dành rất nhiều tình cảm cho Trường Sa và Hoàng Sa.K10

    Trả lờiXóa
  3. Khẳng định chủ quyền Việt Nam.Hoàng Sa.Trường Sa là của Việt Nam.k10

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta phải cho thế giới biết rằng từ xa xưa Hoàng Sa.Trường Sa là của Việt Nam.do ông cha ta đã gây dựng .k10

    Trả lờiXóa
  5. “Trường Sa xin đến một lần/Để mang Tổ quốc lại gần trong tim”. K10

    Trả lờiXóa
  6. Trường Sa, hai tiếng thân thương, luôn vang mãi trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. K10

    Trả lờiXóa