Ba chàng “lính ngự lâm”
Nguyễn Hoàng Duy, Hoàng Quốc Thắng và Đỗ Hữu Minh Phước (trú tại
quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) trước khi nhập ngũ vào BĐBP thành phố Đà
Nẵng đã là bạn bè thân thiết. Bởi vậy, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện chiến
sĩ mới, cùng được phân công về Đồn Biên phòng Phú Lộc, cả ba rất vui, tự bảo
nhau sẽ nỗ lực cố gắng để có quãng thời gian không phải hổ thẹn. Cuộc sống quân
ngũ không như những gì mà Duy, Thắng và Phước được nghe trước đó. Dịch Covid-19
bùng phát, người lính Biên phòng có thêm một nhiệm vụ là tham gia phòng chống
dịch cùng chính quyền địa phương.
Công việc vất vả nhưng lần nào cũng thế, Duy, Thắng và Phước đều
cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, sau kì nghỉ lễ
30-4-2021, thành phố Đà Nẵng bùng phát dịch lần thứ 4 và chính quyền thành phố
khởi động lại các khu cách ly. Ngày 8-5, Binh nhất Nguyễn Hoàng Duy, Hoàng Quốc
Thắng và Đỗ Hữu Minh Phước không một phút đắn đo trở lại khu cách ly tại Tiểu
đoàn 29, Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không-Không quân nhận nhiệm vụ. Dịch diễn
biến phức tạp, kéo dài và đơn vị phải cử người tăng cường cho biên giới Tây
Nam. Bởi vậy, không như những lần trước, chỉ 1, 2 tháng sẽ được “thay ca”, lần
này, 3 chàng lính trẻ đã “cắm chốt” cho tới khi chỉ còn chưa đầy nửa tháng là
đến ngày ra quân.
Hơn 6 tháng làm nhiệm vụ trong khu cách ly, bộ ba Duy, Phước,
Thắng không quản ngại khó khăn, gian khổ đã tận tình, chu đáo phục vụ, chăm sóc
cho những người không may mắn trở thành F1. Tại khu cách ly, những cụ già lớn
tuổi, mắc bệnh nền, bị tai biến không thể tự đi lại đều được những chàng lính
trẻ chăm sóc tận tình. Doanh trại quân đội chỉ có cầu thang bộ, bởi vậy, việc
di chuyển của các bệnh nhân già, yếu hết sức khó khăn. Khu cách ly có trang bị
băng ca, nhưng nếu đưa theo cầu thang bộ cũng gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Những lúc như vậy, Nguyễn Hoàng Duy, Hoàng Quốc Thắng và Đỗ Hữu Minh Phước đã
xung phong bế các bệnh nhân di chuyển lên, xuống cầu thang.
Chiều ngày 18-8-2021, Binh nhất Hoàng Quốc Thắng đã không ngại
vất vả bế cụ bà Đậu Thị Bê (sinh năm 1940, trú tại quận Thanh Khê) là F1 từ xe
lên tầng 2 khu cách ly với lời động viên ân cần: “Bà đừng ngại, để cháu bế bà”.
Mấy ngày sau, bà Bê có kết quả dương tính, lại là những chàng lính trẻ xung
phong cùng nhau bế bà xuống xe để chuyển viện. Ngày 14-9, khi bà Nguyễn Thị Bá
(sinh năm 1931, trú tại quận Thanh Khê) có kết quả xét nghiệm dương tính với
SARS-CoV-2, cần phải chuyển viện. Bà Bá bị gãy chân trước đó nên Binh nhất Đỗ
Hữu Minh Phước đã không quản nguy hiểm, bế bà từ tầng 2 xuống xe vì không yên
tâm khi thấy bà ngồi băng ca. Hoàng Quốc Thắng sau này chia sẻ: “Mọi người cũng
hỏi em có sợ không? Quả thật, lúc ấy em không nghĩ nhiều, chỉ thấy có một người
già cần được giúp đỡ và em nghĩ mình có thể làm được điều đó”.
Người trở về từ phương Nam
Cho đến giờ, khi nghĩ lại, Trần Thanh Việt, chiến sĩ thuộc Văn
phòng Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng thấy thời gian 2 năm quân ngũ của mình
trôi nhanh quá. Hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn
luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Nam, đúng 8 giờ, ngày 5-8-2020, Trần Thanh Việt và 13
chiến sĩ khác có mặt tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng thì được
thông báo bỏ lại quân tư trang trên xe để lên hội trường. Suốt 1 giờ đồng hồ,
các chiến sĩ được quân y hướng dẫn các kỹ năng đeo khẩu trang, sát khuẩn tay,
mặc quần áo bảo hộ đúng cách...
Đến 9 giờ sáng, tất cả các chiến sĩ lại lên xe đến khu cách ly ở
Ký túc xá phía Tây thành phố Đà Nẵng để làm nhiệm vụ. Việt và đồng đội, những
chàng trai mới rời ghế nhà trường, đôi lúc còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, vậy
mà giờ đây lại hàng ngày chăm sóc cho người khác và nhiều khi còn phải là chỗ
dựa tinh thần cho những con người đang chông chênh, lo sợ bị nhiễm bệnh. Việt
cùng đồng đội ngày nào cũng ít nhất 3 lần đưa cơm, dọn dẹp rác thải sinh hoạt
của các F1 mang đi tiêu hủy. Công việc chẳng là gì nếu trời không nắng nóng
38-40 độ C, mà Việt và mọi người cứ găng tay, quần áo bảo hộ kín mít, vác những
thùng cơm từ tầng 1 lên tầng 5. Vất vả không gì kể hết, nhưng Việt đã bám trụ
cho đến ngày khu cách ly hoàn thành sứ mệnh.
Tháng 1-2021, khi biên giới Tây Nam trở nên nóng bỏng vì nguy cơ
lây lan dịch Covid-19 qua biên giới, chàng lính trẻ Trần Thanh Việt viết đơn
tình nguyện tham gia đoàn tăng cường cho biên giới tỉnh Kiên Giang. Đôi lần,
giữa đêm khuya, đứng gác trên đường biên, Việt không ngờ chưa đầy 2 năm mà có
nhiều bước ngoặt đến thế. Trong buổi gặp mặt, chia tay, Đại tá Đỗ Văn Đông,
Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã nói: “Chưa khi nào có một đợt nhập ngũ đặc biệt
như lần này. Các đồng chí đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh người lính Cụ Hồ
trong đại dịch Covid-19. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố mong rằng, trở về
địa phương, các đồng chí tiếp tục phát huy phẩm chất của người lính Biên phòng,
sống gương mẫu và sẵn sàng giúp đỡ người khác”. Với những gì đã học và được rèn
luyện trong quân ngũ, Việt và đồng đội đều tin rằng, những điều Đại tá Đỗ Văn
Đông nói chắc chắn mình sẽ thực hiện được.
Hai năm quân ngũ đã khép lại, những người lính đã hoàn thành
nghĩa vụ với Tổ quốc, nhân dân trong tâm thế ngẩng cao đầu kiêu hãnh. Xin chào
và cảm ơn các chàng trai đã luôn vững vàng trên tuyến lửa!
Đi rồi sẽ trưởng thành và học hỏi rất nhiều.k10
Trả lờiXóaCần phải tham gia và rèn luyện để trưởng thành hơn.k10
Trả lờiXóaChúng ta nên vận động con em tham gia nghĩa vụ quân sự để được rèn luyện bản thân.k10
Trả lờiXóa