Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

NGƯỜI PHI CÔNG ĐẦU TIÊN DÙNG MIG-21 TIÊU DIỆT MÁY BAY MỸ

 

Thiếu tướng, phi công Nguyễn Hồng Nhị, sinh ngày 22-12-1936 tại xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông nhập ngũ tháng 5-1952 và được chọn gửi đi học lái máy bay MiG-17, sau đó là MiG-21 tại Liên Xô đoàn đầu tiên (1961-1965). Sau khi tốt nghiệp MiG-21, ông tham gia trực ban chiến đấu từ ngày 25-1-1966 và cất cánh đánh thắng trận đầu khi Không quân nhân dân Việt Nam dùng máy bay MiG-21 đánh máy bay Mỹ vào ngày 4-3-1966. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông xuất kích chiến đấu hơn 100 lần, bắn rơi 8 máy bay Mỹ. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 18-6-1969.

Trong và sau chiến tranh ông trải qua nhiều cương vị chỉ huy quan trọng trong và ngoài Quân chủng như: Tư lệnh Sư đoàn Không quân 372, Sư đoàn 370; Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân; Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam; Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam…  

Bước vào năm 1966, sau khi mở mặt trận trên không thắng lợi và bước vào các trận chiến đấu trên không với không quân hiện đại của Mỹ trong năm 1965, Không quân ta đã có bước phát triển ban đầu rất vững chắc, từng bước lớn mạnh và tích lũy được không ít kinh nghiệm trong tổ chức và tiến hành các trận không chiến.

Điều đặc biệt là sự xuất hiện của các máy bay MiG-21, loại máy bay hiện đại được bắt đầu lắp ráp từ năm 1965 với những phi công ưu tú, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu của Trung đoàn 921 đã được chuyển loại sử dụng máy bay này. Đồng thời, 12 phi công MiG-21 được đào tạo tại Trường Không quân Liên Xô (do phi công Nguyễn Hồng Nhị làm Đoàn trưởng) tốt nghiệp về nước vào tháng 12-1965. Vì vậy, máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21 với các tính năng hiện đại, được trang bị tên lửa đối không R-3S và được đội ngũ các phi công ưu tú điều khiển đã trở thành đối thủ đáng gờm của Không quân Mỹ.

Ngay khi máy bay MiG- 21 được trang bị cho Trung đoàn 921, các phi công đã tích cực luyện tập để nắm vững kỹ thuật điều khiển. Để chuẩn bị tốt cho máy bay mới xung trận lần đầu, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã quyết định tạo điều kiện để MiG-21 đánh thử vài trận, nhằm rút kinh nghiệm không chiến cho loại khí tài mới này. Đối tượng tác chiến cho những trận đầu tốt nhất được xác định là các loại máy bay cường kích hoặc máy bay trinh sát không người lái. Và phi công Nguyễn Hồng Nhị - Đoàn trưởng Đoàn học bay MiG-21 đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam, vinh dự là người đầu tiên được chọn tham dự trận đầu xuất kích trên MiG-21. Trong trận không chiến này còn có phi công Nguyễn Đăng Kính trực dự bị. Tại Sở chỉ huy Trung đoàn 921, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện và Phó Trung đoàn trưởng Trần Mạnh chủ trì kíp trực.

Lúc 13 giờ 53 phút, ngày 4-3-1966, khi ra đa phát hiện tốp máy bay trinh sát tầng cao bay vào khu vực Việt Trì, Thái Nguyên, Đường số 1 và hướng ra phía Đông Bắc. Bộ Tư lệnh phán đoán đây là máy bay không người lái, quyết tâm cho phi công Nguyễn Hồng Nhị cất cánh. Tuy nhiên, khó khăn cho phi công MiG-21 lần đầu xuất kích vì máy bay địch bay ở độ cao trên 18.000m. Tại độ cao đó, tính năng điều khiển máy bay MiG-21 sẽ kém hiệu quả. Vào 14 giờ ngày 4-3-1966, phi công Nguyễn Hồng Nhị được lệnh cất cánh, khi lên tới độ cao 6.000m, anh xin phép cắt thùng dầu phụ. Sau khi lên trên 8.000m, Sở chỉ huy lệnh mở tăng lực toàn phần và lên độ cao 18km.

Hoạt động ở độ cao bất lợi, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã phải điều khiển máy bay rất chính xác để đạt được độ cao và tốc độ cần thiết. Khi Sở chỉ huy cho bay hướng 90 độ và thông báo cách mục tiêu 60km. Sau đó giây lát anh phát hiện bên trái khoảng 40m có vệt khói kéo, anh đoán đó là mục tiêu và quyết định bám theo. Khi tới gần anh nhận ra đó là máy bay không người lái, cánh dài và vểnh lên. Mặc dù trên tầng cao không, không khí loãng hơn, tính năng điều khiển sẽ khó hơn, nhưng với kỹ thuật thành thục, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã bám sát mục tiêu.

Khi cách mục tiêu 15km, Phó trung đoàn trưởng Trần Mạnh lệnh mở ra đa, lúc này mục tiêu lại tiếp tục bay lên cao hơn, Nguyễn Hồng Nhị tăng tốc độ bám sát mục tiêu và đưa máy ngắm ra đa lên để chuẩn bị bấm nút bám sát ở cự ly 8km, tốc độ khoảng 1.800km/h, anh đã quyết định ấn nút phóng quả tên lửa thứ nhất, sau đó 1,5 giây anh phóng quả tên lửa thứ 2 tiêu diệt mục tiêu. Theo lệnh của Sở chỉ huy, Nguyễn Hồng Nhị vòng phải thoát ly và trở về hạ cánh an toàn.

Thời điểm 14 giờ 21 phút ngày 4-3-1966 đã đi vào lịch sử của Không quân nhân dân Việt Nam, khi phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Nhị ấn nút phóng tên lửa tiêu diệt máy bay trinh sát không người lái của Mỹ, phát tên lửa đó đã báo hiệu sự xuất hiện của một loại vũ khí mới và một thế hệ phi công mới.

Trận thắng đã giúp các phi công của ta hoàn toàn tin tưởng vào vũ khí mới, tên lửa mới và điều quan trọng hơn cả là tự tin vào khả năng làm chủ kỹ thuật của mình, đó chính là các yếu tố tinh thần giúp các phi công Việt Nam vững vàng khi bước vào các trận không chiến với các loại máy bay cường kích và tiêm kích của Mỹ trong suốt những năm tháng tiếp theo. Mở ra một trang sử mới và đầy hào hùng của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu trên không với Không quân và Hải quân Mỹ.

 

9 nhận xét:

  1. Người anh hùng của dân tộc, thế hệ trẻ chúng ta cần học tập và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha ông đi trước.k10

    Trả lờiXóa
  2. Những con người kiệt xuất, hy sinh vì nhân dân, vì độc lập tự do của Tổ quốc.k10

    Trả lờiXóa
  3. Với chiến thắng đầu tiên của không quân ta khi dùng MIG-21, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị đã viết lên trang sử đầu trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ vẻ vang của không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.k10

    Trả lờiXóa
  4. Thật cảm phục tài năng và ý chí của Thiếu tướng, phi công Nguyễn Hồng Nhị. Thế hệ trẻ chúng ta cần tích cực học tập, phấn đấu và phát huy truyền thống hào hùng của các bậc cha anh, hoàn thành mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống. K10

    Trả lờiXóa
  5. Thật khâm phục những người anh hùng việt nam.k10

    Trả lờiXóa
  6. Khẳng định rằng không có việc gì mà chúng ta không làm được.k10

    Trả lờiXóa
  7. Khó khăn cũng không bao giờ khuất phục những anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. K10

    Trả lờiXóa
  8. Thêm một minh chứng cho thấy sự tài tình, mưu trí, sáng tạo của dân tộc Việt Nam 🇻🇳 anh hùng! K10

    Trả lờiXóa