Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

MỘT NỤ CƯỜI… BẰNG MƯỜI LÍT XĂNG

 

“Đến hẹn lại lên”, thường thì vào ngày cuối tuần, những “tay kéo” ở các đồn Biên phòng (BP) trên tuyến biên giới Tây Nguyên lại “khăn gói” về làng.  Các anh đang tích cực thực hiện mô hình “Tay kéo Biên phòng” – một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Những ngày này của tháng 3 Tây Nguyên, gữa cái nắng như thiêu, như đốt, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, Chính trị viên phó Đồn BP Nậm Na, BĐBP Đắk Nông vẫn cùng các “cộng sự” trong Tổ cắt tóc của mình xếp gọn “đồ nghề” vào túi để chuẩn bị chinh phục cung đường dích dắc từ biên giới vào xã Đắk Wil, huyện Cư Jút (địa bàn đồn phụ trách). Chuyến đi nào cũng vậy, phải “rà” rất kỹ, bởi nếu lỡ bỏ quên bất kỳ món đồ gì thì lại thêm một buổi đi đường. Tổng chiều dài là gần 250km cả đi và về. Thật ra, theo đường chim bay cũng gần 50km thôi, nhưng không thể cắt rừng qua vùng đệm Vườn quốc gia Yook Đôn được. Mỗi chuyến đi như thế, anh em phải đổ gần 10 lít xăng mới đủ... Chưa kể những chi phí cần phải có cho chuyến đi, riêng chuyện “phi ngựa sắt” trên quãng đường dài như thế cũng đủ ê ẩm mình mẩy tay chân. Thế mới biết nụ cười con trẻ vùng biên giới đáng trân quý đến nhường nào; mỗi nụ cười trị giá cả mười lít xăng quả không ngoa. Tuy nhiên, theo giải thích của Đại úy Tùng, do đường xa nên các anh thường kết hợp giải quyết nhiều việc, vừa cắt tóc, vừa giúp dân lao động sản xuất, rồi tuyên truyền, vận động, tặng quà, thăm hỏi, chúc mừng...

Xã Đắk Wil có 15 thôn, với hàng chục thành phần dân tộc anh em đan xen nhau chung sống, trong đó, thôn 5 là một trong những khu dân cư có đời sống kinh tế khó khăn bậc nhất. Thôn này hiện có 55 gia đình, 350 nhân khẩu người dân tộc Mông định cư đã lâu năm nhưng rất chậm phát triển.

Những ngày đầu triển khai mô hình, để thu hút trẻ em tham gia, các “Tay kéo BP” phối hợp với giáo viên điểm trường và đoàn viên, thanh niên trong thôn tổ chức tuyên truyền, vận động theo kiểu “đổi tóc lấy quà”. Cháu nào chịu ngồi yên cho bộ đội cắt tóc, thầy, cô giáo bấm móng tay, móng chân sẽ được nhận quà, khi thì quần áo, mũ nón, lúc thì tập vở, cây bút... Sau vài lần như thế, các cháu mới bắt nhịp, tự giác tìm đến các điểm cắt tóc lưu động đã được thông báo trước đó của đồn BP.

Đại úy Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ vui: “Hiện tại, thôn 5 có 35 cháu là “khách VIP” của đồn. Chúng tôi tổ chức tổ cắt tóc lưu động theo kiểu cuốn chiếu, hết thôn này lại sang thôn khác, nên việc làm cứ phải nói là đều đều. Việc tổ chức mô hình “Tay kéo BP”, bên cạnh hỗ trợ giúp đỡ trẻ em nghèo vùng biên, cải thiện tính thẩm mỹ và ý thức vệ sinh cá nhân, còn có hiệu ứng rất tích cực về mặt xã hội, tạo nét đẹp tình người trên vùng biên giới...”.

Như vậy, có thể khẳng định, mô hình “Tay kéo Biên phòng” đã và đang phát huy tác dụng, góp thêm niềm vui đến với các chủ nhân vùng biên giới xa xôi, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của các anh tuy nhỏ nhưng ý nghĩa thật lớn.

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét