Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

MÃI NGỜI SÁNG TINH THẦN NAM BỘ KHÁNG CHIẾN.


“Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời, lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền”… Những lời hát hào hùng trong bài Nam Bộ kháng chiến nhắc ta nhớ lại không khí hào hùng, sục sôi của những ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945).

Dân quân cứu nước Nam bộ trong những ngày đầu
Nam bộ kháng chiến 1945.

       Ngày 06/9/1945, quân Anh tước khí giới quân Nhật, thả số tù binh Pháp bị quân Nhật bắt giữ từ ngày Nhật đảo chính và đóng cửa các tòa báo của ta. Ngày 21/9, quân Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát quận 3, thả tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho chúng, đồng thời ra lệnh thiết quân luật, cấm nhân dân ta không được biểu tình, hội họp, đem theo vũ khí và đi lại ban đêm. Tối 22/9, sau khi chiếm Đài vô tuyến điện, quân Anh làm ngơ để quân Pháp đánh úp Sài Gòn.

Đêm 22, rạng sáng 23/9/1945, thực dân Pháp tiến hành gây hấn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do bao lâu thì lại phải bắt đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Trước tình hình đó, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được thành lập, do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch, triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”, trong đó xác định: “Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng”, và ra tuyên bố: “Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ngay trong ngày 23/9/1945, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã anh dũng chiến đấu, gây cho thực dân Pháp rất nhiều thiệt hại.

Sáng ngày 23/9/1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của Tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ đã kiên quyết ngăn chặn, dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Trận chiến đấu bảo vệ biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ lực lượng vũ trang ta.

Thực hiện “trong đánh ngoài vây”, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập 04 mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Chúng ta vừa bố trí lực lượng chốt giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào những nơi địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của chúng rồi nhanh chóng rút lui. Mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường. Nhân dân Sài Gòn còn triệt để thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy, v.v.

Quân và dân Nam bộ đồng lòng chống giặc

Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cục diện ở miền Nam. Ngày 26/9/1945, qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Người gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta:“Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho Nam bộ, nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam bộ kháng chiến ra đời, nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam bộ kháng chiến.

Bằng sự kiên cường, bất khuất, quân và dân Nam bộ nói chung, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng đã chiến đấu kìm chân quân Pháp trong thành phố, thị xã, tiêu hao nhiều sinh lực địch, kẻ địch bị động, bất ngờ và chùn bước, phải chôn chân ở miền Nam nhiều tháng ròng để cả nước chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của đồng bào Nam Bộ được Bác Hồ tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”, và nhân dịp 100 ngày kháng chiến toàn quốc, Người đã gửi điện khen ngợi: “Sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”.

75 năm qua, tiếp nối truyền thống yêu nước, kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử, Đảng bộ, quân, dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên những thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc; góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, những tiến bộ vượt bậc về kinh tế - xã hội càng khẳng định tinh thần vượt khó, năng động sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân nơi đây. Tinh thần Nam bộ kháng chiến mãi thắp sáng con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.

 

2 nhận xét:

  1. Phát huy những thành quả đã đạt được Quân đội đã ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ

    Trả lờiXóa
  2. Cần phải xây dựng Quân đội hùng mạnh, đủ sức hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ

    Trả lờiXóa