Bộ đội ta xung phong đánh chiếm cứ điểm Đông Khê, Chiến dịch Biên giới 1950 |
Để thúc đẩy cuộc kháng chiến phát triển và đánh bại âm mưu của
thực dân Pháp, tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch tiến công Biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong II).
Chiến dịch tiến công Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan
trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở đường giao lưu với các nước xã
hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Phương châm tác chiến
của chiến dịch là "đánh điểm, diệt viện, lấy tiêu diệt địch ngoài công sự
là chính".
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng, 6 giờ ngày 16-9-1950,
quân ta nổ súng tiến công cụm cứ điểm Đông Khê, trận then chốt mở đầu chiến
dịch. Qua hai đợt chiến đấu, đến 10 giờ ngày 18-9-1950, ta hoàn toàn làm chủ
Đông Khê.
Sau trận then chốt Đông Khê, từ ngày 3 đến 7-10-1950, bộ đội ta
lần lượt tiêu diệt binh đoàn Le Page ở Cốc Xá; binh đoàn Charton ở điểm cao 477
và một số điểm cao khác, như: 590, 649, 765... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ngày 14-10-1950, Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Bị thất
bại, địch hoang mang rút khỏi các cứ điểm từ Thất Khê, Lộc Bình, Na Sầm, Đồng
Đăng, Lạng Sơn (17-10-1950), Đình Lập (20-10-1950), An Châu (23-10-1950), Đường
số 4 và biên giới Việt-Trung hoàn toàn được giải phóng.
Thắng lợi trận then chốt mở đầu chiến dịch tiến công vào cụm cứ
điểm Đông Khê nói riêng, Chiến dịch Biên giới nói chung tạo nên bước ngoặt
chiến lược quan trọng, làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh, đưa cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta sang giai đoạn mới, giai
đoạn ta hoàn toàn nắm quyền chủ động tiến công chiến lược.
Việc chọn Đông Khê làm trận then chốt mở đầu chiến dịch thắng lợi,
khẳng định tính đúng đắn, khoa học dựa trên những yếu tố về địa hình, địch và
thực lực của ta.
Về địa hình, Đông Khê là mắt xích quan trọng nối Cao Bằng với Thất
Khê, một vị trí hiểm yếu, nếu bị tiêu diệt, một mắt xích giữa tuyến phòng ngự
của địch trên Đường số 4 bị chặt đứt, Cao Bằng rơi vào thế bị cô lập, buộc địch
phải tăng cường đưa quân ứng cứu Đông Khê hoặc đón quân từ Cao Bằng rút về tăng
viện.
Khi đó ta có điều kiện tiêu diệt sinh lực địch ngoài công sự, đúng
với phương châm tác chiến của ta. Ta không chọn Cao Bằng vì thị xã Cao Bằng là
một cụm cứ điểm đột xuất, một vị trí cuối cùng ở đầu mút phía bắc của Đường số
4, cách vị trí gần nhất là Đông Khê 45km, là một cụm cứ điểm tương đối vững
chắc.
Cứ điểm này được bao bọc bởi hai con sông Bằng Giang và sông Hiến
hợp điểm tại phía bắc, ba mặt đông, tây và bắc thị xã đều là sông, muốn vào
được Cao Bằng phải đi qua hai chiếc cầu, nơi ta khó triển khai lực lượng tiến
công, phải qua một ngọn đồi có tường bao bọc và hệ thống công sự kiên cố.
Địch tổ chức, bố trí lực lượng ở 15 vị trí, tạo thành vành đai bảo
vệ xung quanh thị xã, nếu tiến công Cao Bằng, tức là ta tiến công vào cụm cứ
điểm vững chắc sẽ phải giải quyết rất nhiều khó khăn về bảo đảm kỹ thuật, trang
bị vũ khí và chiến thuật.
Ta ít có cơ hội thực hiện được phương châm chiến dịch là đánh điểm
để diệt viện, khó bảo đảm chắc thắng hoặc thắng lợi nhưng thương vong sẽ cao,
khả năng địch đưa lực lượng đến ứng cứu giải toả là không lớn, mức tiêu hao,
tiêu diệt sinh lực địch bị hạn chế.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến yêu cầu giải phóng đất đai, giải phóng
biên giới, đến quá trình diễn biến tiếp theo của chiến dịch, không gây chấn
động mạnh đến toàn tuyến phòng thủ của địch, không làm thay đổi cục diện chiến
trường.
Về địch ở Đông Khê yếu hơn cả so với các vị trí khác, có hai đại
đội lê dương, hai trung đội nguỵ, một trung đội pháo 105mm, công sự kiên cố.
Trong khi đó, địch ở liên khu biên giới Đông Bắc có 11 tiểu đoàn, 9 đại đội bộ
binh, 4 đại đội cơ giới, 4 đại đội công binh, 27 khẩu pháo các loại, 8 chiếc
máy bay và có thể có lực lượng dự bị cơ động chiến lược chi viện.
Đông Khê là nơi địch tương đối sơ hở nhưng hiểm yếu, nếu bị đột
phá, toàn bộ thế trận của địch bị chia cắt và uy hiếp, buộc chúng phải ứng cứu
từ nơi khác tới, tạo điều kiện cho ta thực hiện phương châm diệt gọn địch ngoài
công sự.
Về ta, tiến công Đông Khê phù hợp với nguyên tắc bảo đảm chắc
thắng trận đầu trong tác chiến chiến dịch, phù hợp với cách đánh của ta (đánh
điểm, diệt viện lấy tiêu diệt địch ngoài công sự là chính), thuận tiện cho ta
triển khai binh, hoả lực, phù hợp với khả năng chiến đấu của bộ đội, có khả
năng đánh được, bảo đảm chắc thắng và có cơ hội đánh địch viện binh.
Nghệ thuật chọn Đông Khê làm trận then chốt mở đầu chiến dịch vẫn
còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn sâu sắc, đòi hỏi chúng ta tiếp
tục nghiên cứu phát triển cho phù hợp với điều kiện mới, vận dụng sáng tạo vào
huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của bộ đội.
Từ đó bảo đảm cho Quân đội ta đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm
lược của các thế lực thù địch gây ra, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa./.
Việt Nam đã đánh thắng tất cả các giặc ngoại xâm là nhờ có Đảng CSVN lãnh đạo và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Trả lờiXóaViệt Nam có chiến thuật rất độc đáo trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm làm cho quân thù phải khiếp sợ và thất bại thảm hại
Trả lờiXóa