Trong hệ thống các ngôi đền thờ Mẫu tứ phủ của người Việt có đền Cô bé Ngai Vàng (xóm Rồng, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Ngoài việc thờ phụng và gìn giữ nghi thức thờ Mẫu, hằng năm ngôi đền này còn tổ chức Lễ tri ân cha mẹ “Bách thiện hiếu vi tiên”. Đây là hoạt động để bày tỏ sự thành kính, trân trọng, ngưỡng mộ lòng hiếu thảo của Thánh Mẫu đối với cha mẹ, răn dạy giáo dục con người hướng đến nét đẹp chân - thiện - mỹ. Vào các mùa lễ hội, chương trình được tổ chức trang trọng, ấm áp, mang đậm giá trị văn hóa của dân tộc. Qua những nghi thức, hoạt cảnh về sự tích Thánh Mẫu, những tiết mục biểu diễn nghệ thuật trong Lễ tri ân, chữ hiếu được đề cao, tình cảm gia đình được nhấn mạnh khiến người tham dự không khỏi xúc động.
Ông Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên
trách Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, nguyên Phó
trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, chương trình "Bách thiện hiếu
vi tiên" rất ý nghĩa. “Trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, chữ
hiếu được xem là nền tảng đạo đức quan trọng trong mỗi gia đình. Cùng với gia
phong, gia đạo, gia lễ… gia hiếu đã góp phần xây dựng một gia đình tiến bộ, văn
minh và hạnh phúc. Chương trình đã góp phần giúp mỗi người hiểu sâu sắc hơn về
đạo làm con, chữ hiếu với cha mẹ” - ông Bùi Thế Đức cho hay.
Trong đời sống hiện đại, những hoạt
động của cộng đồng hay những nghi thức cổ truyền nhằm vun bồi chữ hiếu càng có
ý nghĩa quan trọng. Bởi thế chương trình “Bách thiện hiếu vi tiên” có ý nghĩa
vô cùng đặc biệt, ảnh hưởng tích cực đến tâm tính và tình cảm của mỗi người
tham dự. Theo Giáo sư Sử học Lê Văn Lan, chữ hiếu là truyền thống quý báu và
lâu đời của dân tộc Việt Nam. Tình cảm hiếu thảo không chỉ là nền tảng quan
trọng mà còn là dấu ấn đặc biệt trong quan hệ gia đình. Đối với con cháu, lòng
hiếu thảo không chỉ là trách nhiệm mà còn là một biểu hiện tự nhiên của tình
yêu và sự biết ơn đối với ông bà, cha mẹ. Sự hiếu thảo ấy, như một bức tranh
tình thân, được vẽ nên từ những nét mực đậm của sự quan tâm, lòng biết ơn và sự
chăm sóc không ngừng. Chương trình "Bách thiện hiếu vi tiên" tổ chức
đã lan tỏa được tinh thần hiếu đạo và mang lại nhiều cảm xúc đối với người tham
dự.
Đồng quan điểm trên, nhiều nhà nghiên
cứu cũng cho rằng, trong cuộc sống, lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà
và cha mẹ không chỉ là trách nhiệm mà còn là biểu hiện cao quý của tình thân.
Những giá trị này, được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, là nguồn
động viên, sức mạnh và sự kiêu hãnh của mỗi gia đình. Đây cũng là động lực, là
điểm tựa vững chắc cho thế hệ trẻ trên con đường tìm kiếm hạnh phúc và thành
công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét