Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

VŨ KHÍ VI SÓNG-KHẮC TINH CỦA UAV

 

TRONG BỐI CẢNH MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI (UAV) XUẤT HIỆN VỚI TẦN SUẤT NGÀY CÀNG PHỔ BIẾN TRÊN CHIẾN TRƯỜNG, NHIỀU QUỐC GIA ĐÃ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC HỆ THỐNG VŨ KHÍ CHUYÊN DỤNG ĐỂ KHẮC CHẾ UAV. HỆ THỐNG LEONIDAS CỦA MỸ LÀ MỘT TRONG SỐ ĐÓ.

Giải pháp lý tưởng để giải quyết mối đe dọa từ UAV
Theo tạp chí khoa học, công nghệ Popular Mechanics, Leonidas do Epirus-công ty sản xuất vũ khí công nghệ cao có trụ sở tại California-chế tạo. Hệ thống này tạo ra một chùm vi sóng cực mạnh tấn công các hệ thống điện tử của UAV.
Trong trường hợp may mắn nhất, các UAV sẽ bị lỗi tạm thời, còn không, toàn bộ linh kiện điện tử trên thiết bị sẽ bị đốt cháy hoàn toàn. Leonidas được xem là khắc tinh của UAV, bởi hệ thống này có khả năng vô hiệu hóa hoàn toàn các đợt tấn công quy mô lớn của UAV cỡ nhỏ.
Không giống như công nghệ gây nhiễu sóng vô tuyến làm cản trở hoạt động liên lạc hoặc gây nhiễu tín hiệu khiến UAV đi sai hướng, vũ khí vi sóng được phát triển để phá hủy UAV. Hệ thống Leonidas đầu tiên ra mắt vào năm 2020 và đã được cải tiến, phát triển tới dòng vũ khí thế hệ thứ ba.
Trong các cuộc thử nghiệm năm 2021, Leonidas đã hạ gục tất cả 66 mục tiêu không người lái. Trong một số bài kiểm tra đối phó với nhiều UAV cùng lúc, hệ thống không gặp khó khăn trong việc tiêu diệt toàn bộ mục tiêu chỉ trong một lần quét. Các chuyên gia quân sự cho rằng, Leonidas sẽ là giải pháp lý tưởng để giải quyết mối đe dọa từ các cuộc tấn công của UAV. Hiện 4 hệ thống Leonidas đã được Epirus bàn giao cho quân đội Mỹ.
Một mũi tên trúng hai đích
Thực tế, điểm nổi bật của Leonidas không chỉ là vô hiệu hóa UAV mà còn là hiệu quả sử dụng lớn so với chi phí vận hành nhỏ. Giới chức Washington từ lâu đã muốn tăng cường việc sản xuất các hệ thống phòng thủ chống UAV, bởi họ biết rằng việc sử dụng tên lửa để hạ gục UAV không phải là giải pháp lâu dài. Họ cần một loại vũ khí mới hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.
Lâu nay, lực lượng Mỹ chủ yếu dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu để bảo vệ tàu của họ và tàu thương mại ở Biển Đỏ, cũng như hệ thống pháo cận chiến Phalanx để bắn hạ UAV. Tuy nhiên, có thể thấy rõ biện pháp phòng thủ này vô cùng tốn kém và chỉ nên ưu tiên sử dụng cho mục đích phòng thủ trước máy bay tấn công và tên lửa chống hạm của đối phương.
Theo Tiến sĩ Paul Scharre, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), việc tiêu diệt một chiếc UAV có giá vài nghìn USD bằng một tên lửa trị giá hàng triệu USD không phải là một giải pháp hiệu quả về mặt chi phí. Những UAV cỡ nhỏ, rẻ tiền đặt ra những thách thức lớn cho các hệ thống phòng thủ truyền thống vì chúng thường sử dụng cách thức tấn công “bầy đàn”.
Những đợt tấn công của UAV có thể làm tiêu hao kho vũ khí, đạn dược của quân đội Mỹ, khiến những vũ khí tiên tiến của họ trở thành mục tiêu dễ bị đánh bại bởi tên lửa của đối phương. Đó cũng là lý do vì sao công ty Epirus đã nghiên cứu phát triển loại vũ khí vi sóng có thể làm tê liệt sự thống trị của UAV, giúp quân đội Mỹ đạt ưu thế lớn hơn trên chiến trường.
Giám đốc điều hành của Epirus Andy Lowery khẳng định, UAV giá rẻ gây ra mối đe dọa với quốc phòng và an ninh, nhưng công nghệ vi sóng đã đảo ngược phương trình chi phí. Hệ thống Leonidas sẽ giúp quân đội Mỹ không còn lo ngại về chi phí phòng thủ trước UAV, ngược lại, chính đối phương sẽ lâm vào cảnh cạn kiệt vũ khí trước tiên.
Ông Lowery cho biết: “Nếu đối phương cử lực lượng 1.000 UAV tới và xâm nhập vào bức tường năng lượng mà hệ thống của chúng tôi tạo ra, Leonidas có thể hạ gục tất cả với giá khoảng 25 cent một lần quét”.
Giám đốc Lowery cũng cho biết, công nghệ vi sóng do Epirus chế tạo không chỉ chống lại UAV mà còn có tác dụng vô hiệu hóa tàu không người lái. Hệ thống vũ khí này sẽ chứng minh hiệu quả sử dụng trong cuộc tập trận công nghệ hải quân tiên tiến của lực lượng Hải quân Mỹ-Coastal Trident 2024 (ANTX-CT24) dự kiến diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét