Tập trung và dân chủ có quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau
không thể tách rời, càng không thể đối lập. Tập trung trên cơ sở dân chủ, nhưng
dân chủ phải có sự lãnh đạo để bảo đảm tập trung. Dân chủ là điều kiện, tiền đề
của tập trung, tập trung là cơ sở bảo đảm cho dân chủ được thực hiện và phát
huy. Nếu tuyệt đối hóa tập trung thì sẽ dẫn đến quan liêu, chuyên quyền, độc
đoán; ngược lại, tuyệt đối hóa dân chủ sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, vô tổ
chức, vô kỷ luật. Cả hai biểu hiện trên đều không đúng và làm giảm sức mạnh của
Đảng.
Tập trung dân chủ thể hiện bản chất của Đảng. Vì vậy, không thể
phân biệt nguyên tắc này phù hợp hay không phù hợp trong giai đoạn chiến tranh
hay hòa bình. TTDC là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình Đảng lãnh đạo cách
mạng. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, TTDC luôn là nguyên tắc “rường
cột” của Đảng, không ngừng được bổ sung, phát triển phù hợp với sự vận động,
phát triển của tình hình cách mạng, đúng với quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí
Minh: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Dân chủ không phụ thuộc vào một đảng hay nhiều đảng mà phụ thuộc
vào bản chất của chính đảng cầm quyền. Trong điều kiện ở Việt Nam, một đảng
lãnh đạo, đó là đảng của giai cấp công nhân, lấy lợi ích giai cấp công nhân,
nhân dân lao động và cả dân tộc làm mục tiêu hàng đầu, xuyên suốt và luôn xây
dựng, chỉnh đốn để Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì tính chất dân chủ,
tiến bộ phụ thuộc vào bản chất, mục đích phục vụ chứ không phụ thuộc số lượng
bao nhiêu đảng, một đảng hay đa đảng. Vì vậy, luận điệu đòi đa nguyên chính
trị, đa đảng đối lập là một âm mưu thâm độc hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng lái cách mạng Việt Nam đi theo quỹ đạo của các
nước tư bản, “ngược dòng” và “đi ngược” với nguyện vọng chính đáng của nhân dân
Việt Nam.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đến nay là
minh chứng để khẳng định không thể phủ nhận nguyên tắc TTDC. Đảng Cộng sản Việt
Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu những
năm 90 của thế kỷ trước đã cho chúng ta một bài học hết sức “đau xót” cần rút
kinh nghiệm để tránh đi vào “vết xe đổ” trong lịch sử. Không tốn một viên đạn,
nhưng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” có sức “công phá” và “hủy diệt”
chưa từng có, đã làm cho Liên Xô - một siêu cường quốc, một Đảng với hơn 20
triệu đảng viên, một quân đội với hơn 4 triệu quân nhân được trang bị vũ khí
hiện đại và tinh nhuệ bậc nhất thế giới đã nhanh chóng mất sức chiến đấu,
“khoanh tay đứng nhìn”. “Thành trì vĩ đại” bị sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của cả
hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu mà hệ lụy của nó còn ảnh hưởng nhiều năm,
nhiều quốc gia và qua nhiều thế hệ. Xung đột ở U-crai-na, những nguy cơ gây bất
ổn ở châu Âu và đe dọa sự ổn định, trật tự thế giới đang minh chứng rõ hệ quả
của việc từ bỏ nguyên tắc TTDC, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở các
nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô. Thực tiễn này một lần nữa khẳng
định: Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không thể chấp nhận đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập, không được từ bỏ nguyên tắc TTDC, đồng thời
kiên quyết bảo vệ nguyên tắc TTDC, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Mọi mưu toan xa rời, phủ nhận nguyên tắc TTDC trong Đảng phải kịch liệt phê
phán, kịp thời ngăn chặn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét