Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VÀ KHÁT VỌNG VỀ CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập". Những lập luận khẳng định đanh thép trong bản "Tuyên ngôn độc lập", được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào và công bố với thế giới vào ngày 2/9/1945, đã nêu bật một sự thật và cũng là một chân lý: Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu dài, với đầy đủ chứng cứ bảo vệ tư cách của một quốc gia độc lập. Nhân dân của một Nhà nước độc lập thì tất yếu phải có "quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc". 

Từ giữa thế kỷ 19, trước sự hủ bại của các thế lực phong kiến, thực dân Pháp đã dễ dàng áp đặt ách đô hộ trên lãnh thổ Việt Nam. Sau gần một thế kỷ sống dưới ách cai trị của chế độ thực dân, nửa phong kiến, đất nước ta đã trở nên "xác xơ, tiêu điều" cả về kinh tế, chính trị, và xã hội.

Vì thế, các biểu hiện áp bức, bóc lột đầy tính chất phản động của chế độ cai trị đương thời được nêu ra trong "Tuyên ngôn độc lập" không chỉ là lời tố cáo, mà còn là những bằng chứng đầy sức thuyết phục cho quyết tâm tập thể nhằm lật đổ chế độ thực dân, nửa phong kiến, giành lại các quyền bất khả xâm phạm cho nhân dân và dân tộc, thành lập chính quyền nhân dân để cùng nhau bảo vệ nền tự do, độc lập của đất nước.

Để khẳng định khát vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam khi đó, "Tuyên ngôn độc lập" đã nêu rõ quan điểm: "thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam".

"Tự Do, Độc Lập" là những quyền bất khả xâm phạm của một quốc gia, một dân tộc cho nên "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Và thực tế lịch sử diễn ra sau đó đã khẳng định thêm cho ý chí của một dân tộc đã phải vượt qua rất nhiều thách thức sinh tử để xây dựng và bảo vệ đất nước: người dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả đề bảo vệ nền độc lập và tự do.

Những thông điệp từ bản "Tuyên ngôn độc lập" cũng chỉ ra rằng: giành lại nền độc lập, tự do cho dân tộc và đất nước mới chỉ là một nửa nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng; nửa nhiệm vụ thứ hai là phải đem lại cuộc sống tự do, ấm no, và hạnh phúc cho đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Để thực hiện được vế thứ hai trong sự nghiệp cách mạng, "Tuyên ngôn độc lập" đã nêu ra định hướng thiết lập "chế độ Dân chủ cộng hòa", trên lãnh thổ Việt Nam, cùng với Chính phủ "đại diện cho toàn thể dân Việt Nam". Có thể nói, "Tuyên ngôn độc lập" đã điểm trúng khát vọng cháy bỏng của đại đa số người dân nước ta khi đó về một chế độ chính trị có thể bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, hệ thống chính quyền gắn bó mật thiết với lợi ích của nhân dân, ý thức rõ bổn phận phụng sự nhân dân, hành động theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân, và luôn đồng hành cùng lợi ích của dân tộc.

Bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, những tinh thần mãi vẹn nguyên giá trị của bản "Tuyên ngôn độc lập" năm xưa vẫn được khẳng định rõ ràng trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII: xây dựng một "hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn bó mật thiết với nhân dân".

Đại hội XIII cũng đã khẳng định nhận thức đúng đắn về đích đến của tiến trình phát triển đất nước, đó là phải đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Sứ mệnh này thể hiện qua tầm nhìn lãnh đạo được Đảng cộng sản Việt Nam đề ra tại Đại hội XIII: "phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Những âm hưởng truyền cảm hứng bất tận của bản "Tuyên ngôn độc lập" trong không khí cách mạng hào hùng 78 năm về trước không chỉ giúp chúng ta nhận thức lại chân giá trị của sứ mệnh cách mạng, mà còn củng cố tâm thế của chúng ta trước những thách thức trong thời gian tới...

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét