Trước đối tượng tác chiến là đội quân xâm lược nhà
nghề, chiếm ưu thế về vũ khí, trang bị cũng như trình độ tác chiến, ta khó tổ
chức những trận đánh tiêu diệt lớn quân địch. Việc Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam
Bộ chủ động chuẩn bị và tổ
chức bố trí các lực lượng vũ trang phù hợp, hình thành thế trận đánh địch ở cả
nội thành và ngoại thành Sài Gòn là chủ trương đúng đắn. Đây là quyết định táo
bạo, kiên quyết và kịp thời, thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy và
Ủy ban kháng chiến Nam Bộ quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành
được. Với gậy tầm vông và mọi vũ khí có trong tay, quân dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã
kiên cường đánh trả quân địch có trang bị hiện đại. Ngay từ sáng 23-9-1945, các
đơn vị tự vệ, thanh niên xung phong đã tổ chức chiến đấu quyết liệt với địch ở
nhiều nơi trong nội thành.
Thực hiện phương châm “trong đánh, ngoài vây”, từ
cuối tháng 9 đến cuối tháng 10-1945, quân và dân ta liên tục đánh địch. Bằng
cách đánh tập kích, phục kích linh hoạt, quân ta tiêu hao sinh lực, làm thất
bại âm mưu mở rộng đánh chiếm của địch. Cùng lúc, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn
kiên quyết không hợp tác với địch, khiến chúng bị cô lập, chỉ lo chiếm giữ các
vị trí trọng yếu ở trung tâm thành phố. Ở ngoại thành, dựa vào thế trận của
từng mặt trận, các lực lượng vũ trang ta anh dũng chiến đấu, ngăn chặn địch
đánh ra vùng ven, đồng thời tổ chức một bộ phận bí mật luồn sâu vào nội thành,
bất ngờ tập kích các vị trí đóng quân, kho tàng, cơ sở kinh tế của địch, rồi
khẩn trương rút ra bên ngoài củng cố lực lượng, tiếp tục chiến đấu.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh, phong trào Nam tiến diễn ra sôi
nổi, rộng khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và trong cả cộng đồng người Việt ở
nước ngoài, tất cả hướng về Sài Gòn và Nam Bộ kháng chiến. Với tổ chức biên
chế, trang bị phù hợp, Chi đội 3 Giải phóng quân là đơn vị hành quân từ miền
Bắc vào chi viện sớm nhất cho Nam Bộ, kịp thời đến tận cửa ngõ Sài Gòn, cùng
lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương chiến đấu. Tiếp đó, một số phân đội
Nam tiến đã vào các tỉnh Nam Bộ, cùng những đơn vị vũ trang Việt kiều từ Lào,
Campuchia, Thái Lan lần lượt về đến các tỉnh Tây Ninh, Châu Đốc, Hà Tiên và các
tỉnh Khu 9 sau này, góp phần tăng thêm sức mạnh cho quân và dân Nam Bộ kháng
chiến.
Tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân
và dân Nam Bộ xứng đáng với danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch
Hồ Chí Minh trao tặng (tháng 2-1946). Thực tiễn những ngày Nam Bộ kháng chiến
đã cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng,
Chính phủ đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Đồng thời, để lại những bài
học kinh nghiệm quý báu về tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy và Ủy ban
kháng chiến Nam Bộ; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành
kháng chiến; về công tác huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường;
về chỉ đạo tác chiến, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét