Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

ĐỂ “RỜI GHẾ” KHÔNG CÒN LÀ “CHUYỆN HIẾM”

 

Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu rõ: Khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đây là 1 trong 5 nội dung lớn, quan trọng đã được Hội nghị Trung ương 6 thảo luận, thống nhất ban hành nghị quyết.

Theo đó, Nghị quyết 28 khẳng định: Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.

Về công tác cán bộ, Trung ương Đảng yêu cầu bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xem xét, phân công, giới thiệu cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và thông qua đội ngũ cán bộ để lãnh đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn để bầu vào cấp ủy, chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp; lãnh đạo việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật, điều lệ của các tổ chức.

Đồng thời hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định… Tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ.

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; sửa đổi chính sách, pháp luật để liên thông cán bộ từ cấp xã tới cấp huyện, cấp tỉnh.

Nghị quyết 28 cũng nêu rõ, khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Đặc biệt, Nghị quyết số 28-NQ/TW một lần nữa khẳng định việc kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập. Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, góp phần bảo đảm kỷ cương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Trước đó, ngày 8/9/2022, Thông báo kết luận số 20-TB/TW của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật của Bộ Chính trị cũng đã thể hiện quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm chính khi khuyến khích cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Theo Kết luận 20, việc bố trí công tác đối với cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Quy định của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, thực hiện phương châm "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ. Điểm nhấn Thông báo 20 nêu rõ: “Khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định”.

Trước nữa, ngày 6/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Theo đó, Quy định 69 nêu rõ, về nguyên tắc xử lý kỷ luật: Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời. Đáng chú ý, kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu; không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đang bị tổ chức đảng xem xét xử lý kỷ luật…

Các nghị quyết, quy định, chỉ thị khác như Quy định 22-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định 41 -QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử…, Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự hoàn thiện, tiếp tục đổi mới, nâng cao phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đặc biệt là với công tác cán bộ hiện nay.

Một số chuyên gia xây dựng Đảng cho rằng, thực tế, thời gian qua, không ít cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ, giải quyết công việc đã không đáp ứng yêu cầu do trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế... dẫn đến đánh giá không đúng tình hình, thiếu biện pháp xử lý kịp thời. Những yếu kém về trình độ, năng lực chuyên môn của những cán bộ này không chỉ làm ảnh hưởng tới chất lượng công việc của từng cá nhân, từng bộ phận công tác mà còn làm giảm chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Mặt khác một số cán bộ sau khi bị kỷ luật vẫn được điều chuyển sang cơ quan khác để làm lãnh đạo thì rất khó điều hành công việc, khó cho bản thân cán bộ đó và khó cho cả cấp dưới, nhất là khó cho tổ chức... Vì vậy, việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm là đúng đắn. Và khi việc từ chức chưa thành tiền lệ, chưa trở thành văn hóa thì không nên chỉ dựa vào ý thức tự giác mà cần có sự vào cuộc của cấp ủy, cơ quan, của những người làm công tác tổ chức cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết 20.

Mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải thấy được ý nghĩa của Nghị quyết để có nhận thức đúng đắn trong cách hành xử. Nếu không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao thì cần phải dừng lại để “rời ghế”, “nhường ghế” cho người xứng đáng không còn là "chuyện hiếm". Điều này một mặt thể hiện sự dũng cảm, tự trọng của người đảng viên. Mặt khác, việc từ chức còn thể hiện sự tự trọng, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân khi không đủ điều kiện, không đủ khả năng, không đủ uy tín để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Chúng ta có quyền hi vọng rằng, Nghị quyết 28 cùng với một loạt các nghị quyết, quy định, chỉ thị được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.../.

 

3 nhận xét:

  1. Kịp thời lựa chọn, bố trí cán bộ đủ tiêu chuẩn, có uy tín và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.K10

    Trả lờiXóa
  2. Lựa chọn những người đủ năng lực trình độ .phẩm chất đạo đức tốt vào những vị trí xứng đáng mà họ được.K10

    Trả lờiXóa
  3. Đảng ta kiiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ. K10

    Trả lờiXóa