Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

HÀNG LOẠT QUAN CHỨC HẦU TÒA - LỖI CƠ CHẾ HAY PHẨM CHẤT?

 

10 năm qua (2012-2022), đã có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Riêng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Các trường hợp “quan chức” kể trên sa ngã trên những con đường khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung: Họ từng là những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước nhưng khi được giao những chức quyền cao cấp, họ đã trượt xuống vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, đánh mất những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà họ đã đánh đổi cả tuổi xuân để tôi luyện. 

Ngự trị nơi đỉnh cao quyền lực, họ lơ là phòng bị, để “giặc trong lòng” đánh bại hoàn toàn. Sự tha hóa của những người có quyền lực hoàn toàn không phải là điều xa lạ với những người cộng sản, và không thể đổ lỗi cho bất kỳ cơ chế nào.

PGS, TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên từng trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân về văn hóa liêm chính trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay: “Trước đây, trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã xây dựng nên một xã hội liêm chính với tinh thần “con cá, chột nưa”, kể cả trong thời bao cấp thì văn hóa “cho không lấy, thấy không xin, xin không cho” vẫn lan tỏa trong xã hội như một nếp sống đẹp. Đến khi mở cửa, hội nhập với thế giới, phát triển kinh tế thị trường, chúng ta đã sớm biết rõ tác hại từ mặt trái của nó, nói một cách hình ảnh là khi ta mở cửa thì cùng với những làn gió tươi mới, mát lành cũng không thể tránh khỏi có cả những làn gió độc bay vào.

“Văn hóa thực dụng” xuất hiện, dẫn tới nhiều cái xấu độc cũng bị ngộ nhận trở thành văn hóa. Đồng tiền chi phối cuộc sống khiến nhiều quan niệm văn hóa bị méo mó, lệch lạc. Ví dụ, bây giờ có những cán bộ liêm chính mà tác phong, lối sống quá giản dị thì thường bị dư luận chê là nghèo, cổ hủ, lạc hậu. Hoặc có những cán bộ trong sạch, gương mẫu nhưng không được xung quanh ủng hộ, cùng lắm là được “kính nhi viễn chi”, được an ủi, động viên riêng lẻ chứ ít được ủng hộ công khai. Hay những người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực lại bị chính người thân phản đối, ghẻ lạnh. Đó là những vấn đề khiến văn hóa liêm chính chưa lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng”.

Lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh, từ khi trở thành Đảng cầm quyền cho đến nay, những người cộng sản Việt Nam đã nêu những tấm gương sáng ngời về đạo đức khi được nhân dân giao phó giữ chức trọng, quyền cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ tối cao của dân tộc và Người đã hiến cả cuộc đời cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại, Người là hiện thân của đạo đức mới, đạo đức cộng sản. Trong di sản mà Người để lại cho con cháu mai sau, có một kho báu vô tận đó là nền tảng đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”.

Vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên khi phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngày 30-6-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại giãi bày tâm sự: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt, xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời-sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự trường tồn của dân tộc, sự vẻ vang của giống nòi và hạnh phúc của nhân dân”.

Bằng con đường thực hành đạo đức cách mạng trong cơ chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất định những người cộng sản Việt Nam sẽ tránh được “bẫy” suy thoái của quyền lực. Con đường đó không hề bằng phẳng, dễ dàng, thậm chí sẽ phải trả giá bằng việc loại ra khỏi đội ngũ rất nhiều cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Cùng với thực hành đạo đức cách mạng, Đảng, Nhà nước còn phải thực thi kiểm soát quyền lực. Vấn đề này sẽ được chúng tôi đề cập ở những bài viết tiếp theo.

 

3 nhận xét:

  1. Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. K10

    Trả lờiXóa
  2. Cần những vị lãnh đạo mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân chứ không cần cán bộ tha hoá.biến chất. Luôn trục lợi cho bản thân.mà không quan tâm đến lợi ích của nhân dân xã hội.k10

    Trả lờiXóa
  3. Cần không ngừng tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tránh để tha hóa, đi vào “Văn hóa thực dụng”, bị đồng tiền chi phối.K10

    Trả lờiXóa