Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2022

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

 

Ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm thắm thiết, lòng biết ơn sâu sắc với những người đã không tiếc máu xương, cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Kể từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Cả nước đến nay đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, gần 800 ngàn thương binh, bệnh binh và gần 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng,…

Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. 

5 năm qua, với tinh thần “không để người có công nào không được tri ân”, các cơ quan đã rà soát trên 7000 hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận được trên 2.400 liệt sĩ, 2.700 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, phần lớn những liệt sĩ được xác nhận đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây trên 70, 80 năm, cá biệt có trường hợp hy sinh cách đây trên 90 năm.

Dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay đã được tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng ngay từ cơ sở như tổ chức lễ trao Bằng tổ quốc ghi công, lễ kỷ niệm và tri ân người có công, lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, viếng đài liệt sĩ, các hoạt động tưởng niệm tại các di tích lịch sử cách mạng như nhà tù, nhà lao Côn Đảo, Phú Quốc, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum, Quảng Trị,...các căn cứ địa cách mạng, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách,...

Đạo lý tốt đẹp truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam là “uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, 75 năm qua, phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Cả nước đã huy động nguồn lực to lớn từ ngân sách và cả cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng nhà tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ, con liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng… Những hoạt động này thể hiện tình cảm trách nhiệm, mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc nâng cao đời sống cho các gia đình người có công với đất nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân như lẽ tự nhiên nhất; tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó khơi dậy lòng yêu nước, mối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.

Tuy nhiên, những bù đắp đó không bao giờ bằng được những gì mà các thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng đã cống hiến cho nhân dân và cho đất nước. Vì thế, cả hệ thống chính trị, mỗi người dân cần cố gắng làm nhiều việc đền ơn đáp nghĩa tích cực, có ý nghĩa hơn nữa tri ân những người có công. Thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình thì Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ nơi ăn, chỗ ở yên ổn, đồng thời mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ dần dần tự lực cách sinh…".

 

 

2 nhận xét:

  1. Uống nước nhớ nguồn đó là truyền thống của dân tộc ta từ xưa đến nay.k10

    Trả lờiXóa
  2. Phải luôn phát huy truyền thống đó .k10

    Trả lờiXóa