Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

NHỮNG KIỂU XUYÊN TẠC, VU CÁO TRONG THỜI ĐẠI SỐ

 

Những năm qua, một trong các yếu tố tạo nên uy tín của Việt Nam trong quan hệ quốc tế là việc Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quan điểm tiến bộ, tích cực về nhân quyền, đồng thời cố gắng tạo điều kiện để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhân quyền không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải khi nào hoạt động này cũng nhận được sự hợp tác thiện chí từ một số quốc gia. Nhân quyền là giá trị thiêng liêng mà toàn thế giới hướng tới.

Thế nhưng đây cũng là chủ đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch và một số tổ chức phi chính phủ được sự giúp đỡ của phương Tây luôn tìm cách lợi dụng nhằm thực hiện những động cơ xấu để can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, nhất là các quốc gia có thể chế chính trị XHCN nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước ta bằng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt với nhiều phương tiện, cách thức khác nhau hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ trong thời đại số nhằm tận dụng đa dạng các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các mạng xã hội, xuất bản báo chí ở nước ngoài, sản xuất băng, đĩa hình chuyển về trong nước. Tài trợ cho một số cơ quan báo chí nước ngoài chống phá Việt Nam (như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ, HRW...) để tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, hạ bệ thần tượng, gây nghi kỵ, chia rẽ nội bộ, triệt để khai thác các sự kiện chính trị, những vấn đề nhạy cảm để mở các chiến dịch tuyên truyền chống Việt Nam.

Đồng thời các hội, nhóm, tổ chức phi chính phủ nước ngoài không có thiện chí với Việt Nam tổ chức nhiều cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành một số nghị quyết, báo cáo… vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam; gắn viện trợ nhân đạo với những đòi hỏi về cải thiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí ngôn luận…. Hậu thuẫn tổ chức phi chính phủ thông qua việc triển khai các dự án với những mỹ từ như “thúc đẩy”, “cải thiện nhân quyền”, khích lệ các đối tượng phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài và số đối tượng chống đối trong nước gia tăng hoạt động. Nhiều tổ chức như Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AL), Freedom House (FH)… trong báo cáo hàng năm, một mặt thừa nhận Việt Nam có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cố ý đánh giá tiêu cực về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Thông qua các nền tảng số, các thế lực thù địch sử dụng những tin, bài, hình ảnh của báo chí chính thống trong nước, sau đó tô vẽ thêm bớt, đưa ra những nội dung “thật giả lẫn lộn” và thông tin sai lệch để đưa lên mạng xã hội. Chúng lập ra những trang/tài khoản núp dưới danh xưng của các cơ quan Chính phủ, lãnh đạo cấp cao nhằm lôi kéo tâm lý hiếu kỳ của công chúng, đánh vào khoảng trống thông tin (mà báo chí chính thống trong nước chưa đăng tải hoặc cần thời gian kiểm duyệt thông tin); ngụy tạo các bài viết dưới những tiêu đề giật gân liên quan đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm…  Những thủ đoạn lợi dụng nền tảng số nêu trên của các thế lực thù địch, phản động, bất mãn ít nhiều đã dẫn dụ và lừa dối được một bộ phận người dân. Những cái “bẫy thông tin”mà các đối tượng thù địch, phản động, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam tung ra cũng đã khiến cho nhiều người nước ngoài không phân biệt được thông tin chính thống và thông tin giả mạo, dẫn đến có nhận thức không đúng, không tốt về Việt Nam.

Vì thế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cần nêu cao cảnh giác, tránh mắc mưu địch. Đồng thời, cùng có trách nhiệm sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ tuyên truyền một mặt góp phần thúc đẩy quảng bá về một Việt Nam thân thiện, mến khách, một đất nước được coi là “điểm hẹn của hòa bình”, điểm đến an toàn cho bè bạn quốc tế, mặt khác góp phần phản bác lại các thông tin tuyên truyền sai trái, thù địch đối với Việt Nam cũng như nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam với thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét