Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

MỘT BIỂU TƯỢNG TIÊU BIỂU VÀ ĐÁNG TỰ HÀO

 

Bài hát “nằm lòng” của những người lính có từ hơn 70 năm nay là bài hát “Vì nhân dân quên mình” (của nhạc sĩ Doãn Quang Khải). Bài hát của thời tân binh, bài hát khởi đầu của đời binh nghiệp chỉ có dân và Bác.

Dân và Bác là máu thịt, là bản chất của Quân đội ta từ khi mới chỉ có 34 người cùng ít lưỡi lê và súng kíp cách đây sắp trọn 80 năm. Trên thế giới chắc chẳng có quân đội nào mà người lính lại gọi lãnh tụ của mình là Bác, là “người Cha thân yêu”; đồng thời gọi vị Đại tướng Tổng Tư lệnh của mình là “người Anh Cả” như Quân đội nhân dân Việt Nam. Thật gia đình, thật “một lòng phụ tử”, “huynh đệ chi binh” và cũng thật Việt Nam!

Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là hiện tượng độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội.

Đây vừa là tình cảm vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam.

Bộ đội Cụ Hồ là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ nhân dân.

Về xuất xứ của tên gọi Bộ đội Cụ Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một hồi ức của mình, kể: “Tôi nhớ rằng từ trong Khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội ông Ké”, hay “Bộ đội ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác.

Có lẽ về sau khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ” và cũng từ chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”...

Về những đặc trưng văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ, nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rất cụ thể; trong đó có cuốn sách “Nuôi dưỡng giá trị văn hóa trong nhân cách người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1999)-một công trình khoa học xã hội và nhân văn quân sự cấp Bộ do GS, TS Đinh Xuân Dũng làm chủ biên với sự tham gia của nhóm tác giả: Đoàn Mô, Phạm Hoa, Ngô Vĩnh Bình và Vũ Hồng Quân.

Nói thêm, công trình khoa học này nhấn mạnh nội dung “Bộ đội Cụ Hồ-một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại” được đích thân đồng chí Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (khi là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) chỉ đạo nghiên cứu và tiến hành thực hiện biên soạn.

Bộ đội Cụ Hồ là đỉnh cao về hình tượng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ khi mới ra đời, họ đã được nhân dân coi như con em. Biết bao bài ca, câu chuyện, cuốn sách, vần thơ về “những người nông dân mặc áo lính” còn được lưu truyền đến bây giờ.

Họ là “những người tứ xứ” nhưng có chung lý tưởng chiến đấu, họ luôn luôn gắn bó với dân, được dân tin, dân phục, dân yêu vì chẳng những “không lấy cái kim sợi chỉ của nhân dân” mà còn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, dám xả thân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Quân đội ta là Quân đội nhân dân vì lý do như vậy. Nói Quân đội ta “hiếu với dân” cũng do là như vậy.

Bộ đội Cụ Hồ với những biểu hiện đẹp đẽ đó một thời đã là biểu tượng tiêu biểu và đáng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng, một thời đã được nhân dân ca tụng là “con người đẹp nhất”, một thời được coi là khát vọng vươn tới của tuổi trẻ. Và thật đặc biệt, Bộ đội Cụ Hồ từ một biểu tượng mang ý nghĩa xã hội lại trở thành một hình ảnh gần gũi, thân thương, trở thành nơi gửi gắm tình cảm thầm kín, khát vọng hạnh phúc riêng tư và trong sáng.

Tôi rất tâm đắc về hình tượng người lính Cụ Hồ được phác họa bằng một biểu trưng nghệ thuật vô cùng sinh động và độc đáo: “Đầu súng trăng treo” của nhà thơ Chính Hữu mà Báo Quân đội nhân dân đã có thời kỳ lấy làm tên một chuyên mục, một chuyên mục văn nghệ được bạn đọc rất yêu thích! Nuôi dưỡng, phát huy vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ cũng là nuôi dưỡng, phát huy sức mạnh nội sinh của Quân đội ta!

Bộ đội Cụ Hồ là thế, Quân đội ta là thế. Vậy mà gần đây, đi ngược với ý chí, tình cảm, nguyện vọng của tuyệt đại đa số người Việt Nam yêu nước nói chung và cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng nói riêng, có những nhóm người thông qua một số trang mạng, blog cá nhân hay qua những "cái loa" của một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, truyền bá những tư tưởng ngoại đạo lạc thời, ác ý, âm mưu kích động xuyên tạc lực lượng vũ trang, gây bất ổn xã hội, phá hoại tiến trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước và làm phai nhạt hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-một nét độc đáo và rất đáng tự hào của Quân đội nhân dân Việt Nam, của văn hóa Việt Nam mà Bác Hồ cùng nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ ta đã dày công vun đắp dựng xây.

Để nuôi dưỡng, phát huy những bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, để hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi tỏa sáng, tôi nghĩ không chỉ là nhiệm vụ, là công việc của các nhà tuyên huấn, các nhà khoa học xã hội nhân văn mà còn phải là nhiệm vụ thường xuyên của báo chí, văn nghệ.

Trong một lần tọa đàm về việc tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ như thế này, một thủ trưởng nói một câu thật giản dị, chân tình, nhưng làm tôi nhớ mãi: “Các ông làm thế nào thì làm, nhưng phải làm thế nào để hình ảnh bộ đội mình thường xuyên và mãi mãi đẹp trong mắt nhân dân, dân mãi mãi tin yêu gọi là “anh bộ đội”, “chú bộ đội”.

Một câu nói thật giản dị nhưng thực hiện được không hề dễ dàng. Biết vậy, nhưng đó là nhiệm vụ đầy vinh quang và tự hào của giới văn học, nghệ thuật nước nhà nói chung, mà nòng cốt là giới văn nghệ sĩ, báo chí quân đội.

 

6 nhận xét:

  1. Bộ đội Cụ Hồ là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ nhân dân. K10

    Trả lờiXóa
  2. Giữ gìn và phát huy hơn nữa phẩm chất bộ đội Cụ Hồ xứng đáng với lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân.k10

    Trả lờiXóa
  3. Giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của mỗi quân nhân.k10

    Trả lờiXóa
  4. Giáo dục, rèn luyện, gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sỹ để xứng đáng với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà lớp lớp cha ông đã vun đắp.k10

    Trả lờiXóa
  5. Quân đội ta cần phải phát huy và giữ vững phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ.K10

    Trả lờiXóa
  6. Giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ-một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam hiện đại là trách nhiệm của mỗi quân nhân. K10

    Trả lờiXóa