Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

LỰC LƯỢNG BỘ BINH TRONG LỘ TRÌNH TIẾN LÊN HIỆN ĐẠI

 

Trong Quân đội ta, bộ binh là thành phần chủ yếu, lực lượng nòng cốt của lục quân, giữ vai trò rất quan trọng, là nhân tố quyết định thắng lợi trên chiến trường. Những đóng góp to lớn của lực lượng bộ binh được phản ánh đầy đủ, toàn diện, tiêu biểu nhất qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực quân sự; với việc xuất hiện của các hình thái chiến tranh hiện đại, phương thức tác chiến mới... và trước xu thế phát triển, hiện đại hóa của quân đội các nước trong khu vực, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, coi trọng xây dựng quân đội hiện đại để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định: Xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Quán triệt và cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào quá trình hiện đại hóa quân đội và lực lượng bộ binh cho thấy, phải có lộ trình và bước đi phù hợp, đáp ứng với yêu cầu trước mắt và lâu dài, tạo tiền đề vững chắc để tiến lên hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu đó, lực lượng bộ binh phải được hiện đại hóa đồng bộ cả về con người, tổ chức, biên chế, vũ khí trang bị, phương thức và trình độ tác chiến... cùng các mặt bảo đảm khác theo hai giai đoạn:

Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, xác định xây dựng lực lượng bộ binh “tinh, gọn, mạnh”. Trước hết, tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực; tinh giản quân số thường trực, tập trung xây dựng lực lượng chủ lực cân đối, hợp lý, tinh gọn, ưu tiên cho các đơn vị huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trọng yếu. Tiếp tục thực hiện tinh giản các đầu mối; từng bước chuyển giao một số hoạt động sản xuất công nghiệp quốc phòng, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật (có tính lưỡng dụng) cho các cơ quan, tổ chức dân sự. Coi trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp.

Về công tác huấn luyện, đào tạo: phải nâng cao chất lượng huấn luyện, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, bằng việc đào tạo cán bộ, học viên trong các học viện, nhà trường có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, kiến thức nghệ thuật quân sự sâu, rộng; có năng lực chỉ huy-tham mưu tác chiến, kỹ năng thực hành chiến đấu tinh luyện; có trình độ thao tác, sử dụng phương tiện tự động hóa chỉ huy công nghệ cao; thể trạng, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, khả năng chịu đựng gian khổ, ác liệt; rèn luyện kỹ năng chiến đấu cá nhân, nhất là huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện hiệp đồng quân, binh chủng, sát thực tế chiến đấu, trong điều kiện tác chiến mới. Tích cực đổi mới nội dung, chương trình,và phương pháp huấn luyện, tăng cường đào tạo liên thông, liên kết trong nước và hội nhập quốc tế; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và nhân viên chuyên môn kỹ thuật; kết hợp cách đánh mới với cách đánh truyền thống, tiếp thu có lựa chọn kinh nghiệm của các nước, giữa cách đánh du kích với chính quy, hiện đại, bảo đảm cho lực lượng bộ binh bước đầu đạt trình độ tinh nhuệ, thiện chiến. Nghiên cứu xây dựng và đưa vào sử dụng các trung tâm huấn luyện mô phỏng ở các đơn vị trọng điểm.

Chú trọng nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự, trong đó có lý luận chiến thuật bộ binh; tổng kết, bổ sung lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời bình; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới.

Về trang bị: trang bị những loại vũ khí, phương tiện hiện đại; giữ gìn, bảo quản tốt, cải tiến có chọn lọc những vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có; nâng cấp, xây dựng một số trung tâm lớn, các nhà máy, xí nghiệp sản xuất quốc phòng hiện đại để tự sản xuất một số mặt hàng quốc phòng thiết yếu và một số phương tiện, vũ khí hiện đại phù hợp với tổ chức biên chế; nghiên cứu, lựa chọn mua sắm một số loại VKTBKT hiện đại.

Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030, xây dựng lực lượng bộ binh hiện đại: tập trung xây dựng con người, tổ chức biên chế, trang bị hiện đại, trong đó con người là yếu tố quyết định. Vì vậy, cần chú trọng đến công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện, rèn luyện bộ đội sát thực tế chiến đấu và điều kiện chiến tranh công nghệ cao, trong đó lấy huấn luyện thực hành, rèn luyện kỹ năng chiến đấu, năng lực chỉ huy là cơ bản, bảo đảm cho lực lượng bộ binh đạt trình độ tinh thông về lý luận, nhuần nhuyễn về hành động chiến đấu cá nhân và hiệp đồng chiến đấu quân, binh chủng, vừa tinh nhuệ vừa thiện chiến.

Về tổ chức biên chế: Chủ động, quyết liệt điều chỉnh bảo đảm cân đối, có trọng điểm, nhất là lực lượng bộ binh ở các đơn vị chủ lực, đơn vị trực tiếp chiến đấu. Xác định rõ vị trí công tác cho từng chức danh ở các cấp. Ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng lực lượng bộ binh đồng bộ, hiện đại; huấn luyện, rèn luyện bộ đội đạt đến trình độ tinh nhuệ, thiện chiến. Trang bị, đầu tư hiệu quả VKTBKT đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển lực lượng bộ binh nói riêng và lực lượng lục quân nói chung đến năm 2030 theo hướng hiện đại.

Về huấn luyện và đào tạo: Tập trung đổi mới; vận dụng sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc, phương châm trong huấn luyện. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành, huấn luyện, đào tạo hợp lý; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với đơn vị, nhà trường với chiến trường; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; tăng cường huấn luyện đêm; huấn luyện làm chủ VKTBKT, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại. Kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị; kỷ luật, đạo đức với rèn luyện thể lực, bảo đảm bộ đội có đủ thể chất và tinh thần, trình độ, năng lực và kỹ năng trong các hoạt động quân sự.

Về VKTBKT: Cần trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện hiện đại; loại bỏ những vũ khí, phương tiện không còn phù hợp; đưa vào sử dụng, vận hành các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất một số mặt hàng, một số loại phương tiện, vũ khí hiện đại để biên chế cho lực lượng bộ binh; mua sắm bổ sung một số loại VKTBKT hiện đại.

Để góp phần triển khai thực hiện hiệu quả phương hướng, mục tiêu xây dựng lực lượng bộ binh trong lộ trình tiến lên hiện đại, đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, đề cao trách nhiệm trong tổ chức triển khai thực hiện.

 


8 nhận xét:

  1. Giữ vững và phát huy kết quả huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng lực lượng tinh gọn mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ hội nhập. K10

    Trả lờiXóa
  2. Xây dựng lực lượng tinh nhuệ, hiện đại để đáp ứng với tình hình thực tiễn k10

    Trả lờiXóa
  3. Xây dựng lực lượng Bộ binh " tinh, gọn, mạnh" k10

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết rất hay k10

    Trả lờiXóa
  5. Xây dựng quân đội của dân, do dân và vì dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao-k10

    Trả lờiXóa
  6. Lực lượng nòng cốt của quân đội.k10

    Trả lờiXóa
  7. Lực lượng bộ binh vẫn luôn là lực lượng nòng cốt, xây dựng quân đội phát triển tinh nhuệ. K10

    Trả lờiXóa
  8. Lục lượng bộ binh luôn đi trước đón đầu trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. K10

    Trả lờiXóa