Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

PHẢN BÁC CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC PHÁP LUẬT VỀ QUỐC PHÒNG

     Báo Quân đội nhân dân từ ngày 23 đến 25-11 đã đăng loạt bài: “Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân” trong chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”. Sau khi báo đăng, tòa soạn Báo Quân đội nhân dân đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các tướng lĩnh trong quân đội, đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia và đông đảo bạn đọc. Các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình với những vấn đề đặt ra trong bài viết và đề xuất giải pháp nhằm sớm đưa pháp luật vào cuộc sống, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, xuyên tạc. Tòa soạn trân trọng trích đăng một số ý kiến.

Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới. 

    Trung tướng ĐỖ DANH VƯỢNG, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng: Thêm đoàn kết thống nhất giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng

Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, chủ trì duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, chúng tôi rất hoan nghênh loạt bài “Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân” trong chuyên mục “Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” đăng trên Báo Quân đội nhân dân.

Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới. Đặc biệt, luật đã quy định mối quan hệ phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, tạo sự đoàn kết thống nhất giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, nhất là Bộ đội Biên phòng (BĐBP) với công an và hải quan, điều này trái với “nhận định” của một số người rằng: “Luật BPVN làm chồng chéo chức năng nhiệm vụ, sẽ chia rẽ 3 lực lượng BĐBP, công an và hải quan”.

Thực tiễn cho thấy, công tác phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng đã mang lại kết quả thiết thực: Bộ tư lệnh BĐBP chủ động ký và duy trì tổ chức thực hiện có hiệu quả 26 quy chế phối hợp với các quân khu, quân chủng và các cơ quan, lực lượng liên quan như: Công an, hải quan, kiểm ngư trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở khu vực biên giới, vùng biển...

Tuy nhiên, công tác này còn có những hạn chế nhất định, đặc biệt là chưa phát huy tối đa khả năng của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động hợp tác thực thi nhiệm vụ biên phòng; có thời điểm còn để xảy ra sai sót, hiệu quả phối hợp chưa cao. Một trong những nguyên nhân cơ bản của hạn chế là chưa xác lập được cơ sở pháp lý thống nhất, quy định phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp. Luật BPVN khắc phục vấn đề này thông qua quy định về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong đó quy định rõ phạm vi phối hợp đối với từng cơ quan, tổ chức bảo đảm phân định chính xác, rõ nhiệm vụ của từng chủ thể, đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức theo quy định pháp luật chuyên ngành, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, luật cũng xác định rõ nguyên tắc phối hợp của các lực lượng; đặc biệt, quy định cụ thể các trường hợp áp dụng nguyên tắc xử lý vụ việc xảy ra tại địa bàn khu vực biên giới, cửa khẩu nhưng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, kịp thời, không tạo khoảng trống trong xử lý các vụ việc; xác định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, lực lượng, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, khi Luật BPVN đi vào cuộc sống sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Thiếu tướng HOÀNG KIM PHỤNG, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam: Nhận thức đúng về việc Việt Nam tham gia sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình

Theo dõi vệt bài “Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân”, chúng tôi rất đồng tình với những thông tin và lập luận của các tác giả về những vấn đề được đề cập trong vệt bài. Đặc biệt là bài viết “Việt Nam tham gia lực lượng “mũ nồi xanh”-hoàn thiện luật pháp cho một chủ trương đúng” đã làm nổi bật những giá trị cốt lõi trong các hoạt động của Việt Nam khi tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ); bài viết đã khái quát đúng và làm rõ được nhiều vấn đề cơ bản mà bấy lâu nay độc giả quan tâm về vấn đề này.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ vào thời điểm chúng ta đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ thứ hai (2020-2021) là thể hiện quyết tâm chính trị hết sức mạnh mẽ, nghiêm túc và khẳng định sự tham gia lâu dài của Việt Nam đối với sứ mệnh gìn giữ và kiến tạo hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Việc tham gia lực lượng GGHB LHQ đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nghị quyết nói trên phù hợp với cam kết, chủ trương, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam; tạo hành lang pháp lý vững chắc để chúng ta có thể xác định rõ lộ trình, nhiệm vụ, quyền hạn... từ đó chủ động nghiên cứu, tham mưu và chuẩn bị tốt lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ một cách hiệu quả hơn. Đây là vấn đề cấp thiết, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Đối với các lực lượng của Việt Nam khi được lựa chọn và triển khai tham gia thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ thì nghị quyết này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó sẽ tạo điều kiện cho các đồng chí được học tập, rèn luyện và thử thách trong một môi trường mới hết sức bổ ích, ý nghĩa. Ở một góc độ nhất định, nó cần thiết cho việc nâng cao năng lực các cán bộ, chiến sĩ của chúng ta trong việc xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời, nghị quyết cũng tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và cơ chế trọng dụng đối với các lực lượng cả trực tiếp và gián tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ.

Chúng tôi mong Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để chuyển tải tới đồng bào trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị nhân văn và khát vọng chính nghĩa, luôn hướng tới hòa bình, vì hòa bình của dân tộc Việt Nam khi tham gia vào các hoạt động GGHB LHQ. Báo nên tiếp tục có những bài và vệt bài đấu tranh với những quan điểm sai trái, xuyên tạc về vấn đề này, cung cấp thông tin chính thống, chính xác để định hướng dư luận xã hội.     

Bà NGUYỄN NGỌC LÂM, cán bộ Bộ Tư pháp: Quân nhân "mũ nồi xanh" Việt Nam đã nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam 

Đọc loạt bài "Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân" đăng trên Báo Quân đội nhân dân, tôi đồng tình và đánh giá cao những quan điểm của các tác giả.

Trong loạt 3 bài, tôi rất tâm đắc với bài viết “Việt Nam tham gia lực lượng “mũ nồi xanh”-hoàn thiện luật pháp cho một chủ trương đúng”. Theo tôi, muốn bảo vệ được nền hòa bình thì phải tạo được môi trường hòa bình xung quanh ta và đóng góp cho hòa bình thế giới. Do đó, việc Việt Nam cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.

Tôi rất tự hào khi đọc thông tin có 33,3% cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ được LHQ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi tỷ lệ trung bình của các nước là 2%. Tôi cũng rất xúc động khi thấy hình ảnh chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam giúp đỡ người dân Nam Sudan cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe từ những việc rất nhỏ bé như hướng dẫn nấu ăn, trồng trọt, phủ xanh đất cằn, tổ chức dạy học... Các đồng chí đã cố gắng để vượt qua trở ngại tại một đất nước có nội chiến, cống hiến hết mình vì hòa bình thế giới. Qua quá trình hoạt động, các quân nhân Việt Nam đã trở thành “sợi dây kết nối” văn hóa, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới.

Ông MAI THANH HẢI, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Vận tải Thành Công Việt Nam: Giúp nhân dân hiểu rõ việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất quốc phòng

Thường xuyên theo dõi chuyên mục "Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” trên Báo Quân đội nhân dân, tôi đánh giá rất cao loạt bài "Pháp luật về quốc phòng-hợp hiến, hợp lý và hợp lòng dân". Ở bài cuối "Đất quốc phòng không phục vụ mục đích kinh tế đơn thuần", tôi hoàn toàn đồng tình với thông tin nêu trong bài, trong đó có đoạn: “Việc sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng là đúng chủ trương của Đảng, có tính lịch sử, kế thừa, gắn liền với quá trình xây dựng, phát triển quân đội qua nhiều thời kỳ”.

Đất nước ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ quốc khiến nhân lực, vật lực rất hao tổn, nên ngoài việc chống giặc, bộ đội ta còn rất tích cực tăng gia sản xuất. Trong thời bình, song song với việc huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bộ đội vẫn tiếp tục phát huy tinh thần hăng say lao động sản xuất, xây dựng quân đội và góp phần phục vụ phát triển đất nước. Kinh tế vững thì quốc phòng sẽ mạnh, và quốc phòng mạnh thì kinh tế sẽ vững. Tôi cho rằng quy định về việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế cũng là để phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Nhưng các thành phần chống phá thường dựa vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ. Vì vậy, với việc Quốc hội khóa XIV thông qua nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đã được Báo Quân đội nhân dân giải thích cặn kẽ, dễ hiểu sẽ giúp độc giả nắm rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.


2 nhận xét:

  1. Các thế lực thù địch điên cuồng chống phá Việt Nam trên tất cả các phương diện; chúng dùng mọi thủ đoạn để chống phá; chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước luận điệu sai trái của kẻ thù để không bị mắc bẫy của chúng.

    Trả lờiXóa
  2. Thời gian này, các thế lực thù địch tìm mọi cách để xuyên tạc và chống phá Đảng ta. Mọi người phải nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh bị lôi cuốn vào những thông tin sai lệch của chúng

    Trả lờiXóa