Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. |
Một trong số những “kẻ thù hng ác” của đạo đức cách mạng, của xã hội chủ nghĩa là bệnh suy bì. Sớm nhận ra những biểu hiện, tính nguy hại của bệnh “suy bì”, tị nạnh, Bác Hồ đã có những phân tích thấu đáo về nguyên nhân, chỉ ra biện pháp khắc phục. Những lời căn dặn vẫn còn tính thời sự cho đến hôm nay.
SUY BÌ - LÀ CHƯA XỨNG ĐÁNG TƯ CÁCH CỦA NGƯỜI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Ngay từ rất sớm, trong quá trình xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo rõ tác hại của tính suy bì. Nói chuyện với hội nghị cán bộ toàn tỉnh Nghệ An (ngày 14/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đầu óc tư tưởng người đảng viên là đưa hết tinh thần, lực lượng phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Thế nhưng, một nửa phục vụ nhân dân, một nửa lại suy tị, như thế là chưa toàn tâm, toàn lực, là chưa xứng đáng tư cách của người đảng viên”. Như vậy, theo Người, tư cách của người đảng viên không cho phép tồn tại bệnh “suy bì”. Không những vậy, Người còn nhận diện rõ những biểu hiện “lâm sàng” của bệnh “suy bì” trong từng lĩnh vực, từng đối tượng khác nhau, cụ thể:
Đối với cán bộ, đảng viên nói chung, Người giải thích rằng: “Khuyết điểm thứ hai là suy bì đãi ngộ và địa vị. Suy bì tức là so sánh, mà so sánh có nên không? Nên. Nhưng biết so sánh như thế nào cho tốt, so sánh như thế nào là không tốt. Đảng, Trung ương rất cảm thông với các đồng chí, nhất là các đồng chí ở xã gặp khó khăn nhiều, về sinh hoạt tinh thần cũng như vật chất. Nói về so sánh thì nên so sánh nhưng chúng ta cần phải so sánh với những đồng chí, những cán bộ có đạo đức cách mạng hơn mình, lập trường tư tưởng vững hơn mình, tác phong dân chủ và tinh thần trách nhiệm hơn mình. So sánh với những đồng chí như thế để mà học, để mà tiến bộ. Thế là nên so sánh. Còn so sánh về vật chất thì ngược lại nên so sánh với những đồng chí cố nông, bần nông, với những đồng bào thiểu số”.
“... Nên so sánh nhưng chúng ta cần phải so sánh với những đồng chí, những cán bộ có đạo đức cách mạng hơn mình, lập trường tư tưởng vững hơn mình, tác phong dân chủ và tinh thần trách nhiệm hơn mình... Còn so sánh về vật chất thì ngược lại nên so sánh với những đồng chí cố nông, bần nông, với những đồng bào thiểu số”. |
Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, Người chỉ rõ: “Có một số cán bộ, chiến sĩ có óc công thần, cho ta đây có thành tích, lâu năm, cho ta là trời, sa xuống cái hố cá nhân chủ nghĩa, suy bì đãi ngộ, quên rằng mọi cán bộ, mọi chiến sĩ quân đội nhân dân phải hết lòng phục vụ, không nên một nửa thì phục vụ, một nửa thì suy bì ghen tị”.
Đối với cán bộ, chiến sĩ công an, Người huấn thị: “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Là mỗi người hãy nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước. Phải chống chủ nghĩa cá nhân. Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn”.
Đối với cán bộ công đoàn, Người căn dặn: “Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ. Phải có lề lối làm việc xã hội chủ nghĩa tức là siêng năng, khẩn trương, khiêm tốn, luôn luôn cố gắng tiến bộ làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho”.
Đối với cán bộ phụ trách nông nghiệp, Người cho rằng, từ bệnh suy bì khiến cán bộ có biểu hiện “đứng núi này, trông núi nọ”: “Có một số cán bộ chưa thật yên tâm công tác, như vậy không đúng. Làm cán bộ không phải là để thăng quan, phát tài. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Cán bộ làm công tác gì cũng vì dân vì nước. Nếu làm tròn nhiệm vụ là vẻ vang, là anh hùng. Không nên đứng núi này, trông núi nọ”.
Đối với cán bộ, giáo viên, Người phê bình: “Công tác bình dân học vụ tuy không có gì tiếng tăm lừng lẫy, không kêu nhưng rất vẻ vang. Chớ đứng núi này trông núi nọ. Chớ có tư tưởng bỏ bình dân học vụ đi học kỹ thuật, đi dạy trường phổ thông, đi làm nghề khác là không đúng”.
NGUỒN GỐC BỆNH "SUY BÌ" TỪ ĐÂU?
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh “suy bì” của cán bộ, đảng viên có căn nguyên chủ quan là từ chủ nghĩa cá nhân, trong Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, ngày 24/3/1961, Người giải thích rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”.
“Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là thế nào? Là mỗi người hãy nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước. Phải chống chủ nghĩa cá nhân. Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn”. |
Bên cạnh việc khen ngợi những đảng viên và cán bộ một lòng vì Đảng, vì nước, vì dân, Hồ Chí Minh luôn nghiêm khắc phê bình những cán bộ có thói hư, tật xấu mà họ mắc phải và nhắc nhở họ phải quyết tâm sửa chữa. Người nhấn mạnh: “Một số ít đảng viên và cán bộ còn tư tưởng tiêu cực, suy tị, ỷ lại, ngại khó, ngại khổ, không gương mẫu. Đó là chủ nghĩa cá nhân, những đồng chí ấy phải quyết tâm sửa chữa”(9).
Về nguyên nhân khách quan, với cách nhìn biện chứng, Người cho rằng điều kiện kinh tế - xã hội nước ta còn khó khăn, việc khắc phục những khuyết điểm của Đảng, Chính phủ, của từng cán bộ, đảng viên không thể trong một sớm, một chiều, Người viết: “Từ một năm nay, nội hoạn (nguy cơ ở bên trong), ngoại xâm không lúc nào không có, nên còn nhiều việc đáng làm mà Chính phủ trung ương không làm được. Có nhiều cái biết là hay, nhưng còn việc gấp phải làm gấp cái đã.
Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ. Còn những việc làm, mà chưa làm được thì xin đồng bào nguyên lượng. Vì nếu có nấu cơm cũng 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ thì cũng vài ba giờ mới xong”.
Người cho rằng, mặc dù Đảng và Chính phủ đã quyết tâm thực hiện công bằng xã hội, giải quyết hài hòa các lợi ích song không thể giải quyết đồng thời và có sự công bằng tuyệt đối được. Vì vậy, vẫn có hiện tượng suy bì, tị nạnh: “Cố nhiên là Đảng, Chính phủ trong lúc cân nhắc phải công bằng hợp lý, nhưng đảng viên ta, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng rất đông, có hàng mấy vạn người không phải luôn luôn xếp đặt hợp lý được. Cố nhiên phải tìm cách làm cho công bằng hợp lý, nhưng cũng khó hoàn toàn. Vì vậy kèn cựa địa vị là không nên, không tốt”.
PHƯƠNG THUỐC CHỮA BỆNH "SUY BÌ"
Hồ Chí Minh đã chỉ ra những phương thức khắc phục bệnh tai hại này, trước hết, cán bộ, đảng viên phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Vì thế, Người yêu cầu: “Chống chủ nghĩa ba phải; trái phải, phải dứt khoát, phải rõ ràng, không được nể nang. Can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình. Xác định toàn tâm toàn ý, 100% phục vụ nhân dân. Có thế mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Còn so sánh địa vị, còn suy bì hưởng thụ thì chỉ có 50% phục vụ nhân dân còn 50% là phục vụ cá nhân mình”(12). Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu
Thứ hai, cán bộ phải trau dồi đạo đức cộng sản, xây dựng tinh thần toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người yêu cầu: “Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai… Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo; phải thực sự cầu thị, không được chủ quan. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống của quần chúng. Phải “chí công vô tư”, và có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Đó là đạo đức của người cộng sản”(13). Đồng thời, phải ra sức học tập và dựa vào nhân dân để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Những lời căn dặn của Bác Hồ về phòng, chống bệnh “suy bì” của cán bộ, đảng viên vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, từ việc suy bì, tị nạnh dẫn đến biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn như “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ ra.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn Đảng đang chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng thì những chỉ dẫn trên của Bác Hồ lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trong nhiệm kỳ XII, các nghị quyết, chỉ thị, quy định căn bản của Đảng ta quyết liệt đặt ra các yêu cầu về xây dựng Đảng, xây dựng đạo đức cách mạng như trong Quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương” theo tinh thần Hội nghị lần thứ 8, khóa XII; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị Số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý … Khắc phục bệnh suy bì cũng là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định trên; khắc phục một biểu hiện quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, quan tâm phê phán nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên” để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng./.
Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.
Trả lờiXóaChúng ta không nên suy bì, so sánh; bởi như vậy là rất khập khiễng; hãy cống hiến đi đã, tổ chức sẽ quan tâm
Trả lờiXóa