Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

VÀI NÉT TƯƠNG ĐỒNG TRONG CHIẾN TRANH DU KÍCH Ở VIỆT NAM NGÀY XƯA VÀ THỜI HIỆN ĐẠI!

Một kiểu nguỵ trang của chiến sĩ Đặc công
Khi nhắc đến dân tộc Việt là nhắc đến một dân tộc anh hùng, một đất nước bất khuất có lịch sử ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, đã chiến thắng không biết bao nhiêu đội quân hùng mạnh các nước với những trận đánh đã ghi vào lịch sử trên thế giới, để mà khi nhắc lại, không ít kẻ thù phải cảm thấy run sợ. 

Nghệ thuật quân sự Việt Nam là đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh với nền tảng là chiến tranh nhân dân, đã đem lại chiến thắng cuối cùng cho dân tộc ta trước bất cứ kẻ thù nào từ trước đến nay. Trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, bên cạnh những cách đánh sử dụng quân chủ lực với số lượng quân và vũ khí lớn thì có những cách đánh mà chỉ có ở Việt Nam, cũng đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng lớn lao của dân tộc, cách đánh mà Hồ Chủ tịch gọi là “chiến tranh du kích”.
Chiến tranh du kích là một từ Hán-Việt chỉ một loại hình chiến tranh không thông thường được phe, nhóm quân sự nhỏ và yếu hơn, cơ động hơn áp dụng đối với kẻ thù lớn mạnh hơn và kém cơ động hơn. Lối đánh du kích bao gồm các cuộc phục kích, đánh bất ngờ, chớp nhoáng và rút lui nhanh. Mục tiêu của các cuộc tấn công du kích là những yếu điểm của kẻ thù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cả một công trình về “Cách đánh du kích” với XIII chương, trong đó có 9 chương Người dùng vào việc chỉ đạo nghệ thuật du kích chiến tranh. Người khẳng định: “Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc... Chuyến này chúng ta vũ trang khởi nghĩa đánh Tây-Nhật, chính dùng đường lối du kích mà đánh. Biết đánh du kích thế nào cũng thắng lợi. Muốn đánh du kích cho thắng lợi cần 4 điều: 1-Phải có con đường chính trị đúng. 2-Phải dựa trên cơ sở quần chúng. 3-Phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật. 4-Phải có một lối đánh rất tài giỏi. Có thể thấy Bác Hồ rất coi trọng lối đánh “chiến tranh du kích” và thực tế Người đã sử dụng lối đánh này song hành cùng lối đánh đương đầu trực diện.Và đỉnh cao sự phát triển của lối đánh “chiến tranh du kích” chính là tại cuộc chiến tranh Việt Nam, khi mà quân đội Hoa Kì sử dụng một lực lượng lớn bộ binh, thiết giáp với quy mô lên đến cấp quân đoàn để tiến hành các cuộc tấn công càn quét thì ngược lại, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam dùng các đơn vị bộ binh nhỏ, linh hoạt, trang bị thô sơ để phản kích lại. Nhưng khi Mĩ mở các chiến dịch quy mô lớn như chiến dịch Khe Sanh thì Việt Cộng cũng tiến hành giao chiến bằng những lực lượng với quy mô sư đoàn.
Song không phải đến thời đại Hồ Chính Minh, ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ lối đánh “chiến tranh du kích” mới được sử dụng, nhìn vào lịch sử dân tộc, ta sẽ thấy đây là truyền thống đã được cha ông ta sử dụng từ rất lâu, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương bờ cõi đất nước.
1. Ám sát khi địch đang ngủ
Trong kháng chiến chống quân Minh thế kỷ XV
Đào Nương một ca nương tài sắc sống ở thế kỷ XV - không chỉ được coi là bà tổ của nghệ thuật ca trù mà còn lập công lớn giúp nhà Lê "chuốc rượu" giết giặc Minh. Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, là một cô gái vô cùng xinh đẹp, nổi tiếng với tài ca hát khắp tổng Cao Cương xưa.
Năm 1406, nhà Minh mượn cớ "phù Trần diệt Hồ", đem quân xâm lược nước ta. Khi ấy Ả Đào tròn18 tuổi. Chúng đã đóng đồn trại về tận các thôn xóm hòng vơ vét của cải, giết hại dân lành khiến bốn bể lầm than. Đàn ông bị bắt làm phu dịch thực hiện những công việc nặng nhọc cho tới chết, đàn bà bị bắt làm nô tì.
Thời điểm đó cũng là lúc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại đất Lam Sơn. Đào Nương cùng với nhiều chị em trong làng Đào Đặng đã mở quán rượu để lôi kéo tướng sĩ quân Minh lui tới ăn uống. Mục đích là tìm hiểu nội tình quân địch giúp Lê Lợi đánh lên đất Thăng Long.
Nhờ có tài nghệ và nhan sắc hơn người, Đào Nương nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cả quân và tướng giặc Minh. Chúng có phần vị nể và biến quán rượu của nàng thành nơi hội họp, ăn uống, nghỉ ngơi mà không đề phòng bất cứ điều gì.
Hằng ngày, quân sĩ giặc Minh thường kéo nhau đến quán rượu của nàng Đào Nương tập trung chè chén thâu đêm suốt sáng. Rượu tiệc no say, chúng lại lăn ra ngủ. Thời đó, tổng Cao Cương vốn là vùng lau sậy um tùm, nhiều côn trùng, đặc biệt là muỗi. Vì thế, để khỏi lạnh và tránh bị muỗi đốt, giặc Minh đã làm những chiếc túi bằng bao tải gai để được "ấm thân" và an toàn trước côn trùng.
Đêm đến chúng chui vào bao và buộc túi lại tránh muỗi. Đào Nương nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Với công việc này, Ả Đào đã nghĩ ra kế giết giặc. Sau khi thông báo "mật kế" cho nghĩa quân Lam Sơn, Ả Đào bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong vùng bàn kế hoạch giết giặc.
Cứ đêm đến khi giặc đã ngủ say, dưới sự chỉ huy của Đào Nương, anh em trai tráng đến khiêng từng túi quẳng xuống sông. Khi ném chúng xuống, các túi ngủ đều được buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài nên dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu phải đuối nước.
Quân số của giặc ngày càng hao hụt cho tới một hôm, tướng giặc thấy không rõ vì sao mà quân lính trong đồn tự nhiên mất tích một cách khó hiểu. Hắn vội ra lệnh kiểm điểm lại số quân và bắt tất cả quân lính trong đồn đứng xếp hàng vào một thửa ruộng hình vuông, bốn bề có đắp tường cao, gọi là đấu đong quân để biết thiếu đủ ra sao.
Tướng giặc giật mình khi thấy quân sĩ hao hụt quá nửa mà không tìm ra nguyên nhân mới cho rằng tổng Cao Cương là vùng đất độc, không thích hợp cho việc đóng quân nên quyết định phải dời đồn trú đi nơi khác.
 - Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước từ năm 1954 - 1975 quân ta cũng dùng cách này để đánh Mỹ - Ngụy. Cách đánh của đặc công là chỉ trang bị mỗi người một dao găm, một quân lót. Nhóm khoảng 5 - 7 người ngụy trang bằng bùn đất, lá cây... nửa đêm đột nhập vào trại địch cắt cổ từng tên. Lối đánh “xuất quỷ nhập thần”, giống như “tàng hình” của chiến sĩ đặc công ta trở thành một nỗi ấm ảnh, khiếp sợ của kẻ thù. Vì vậy, quân Việt Nam Cộng Hòa có câu hù nhau cửa miệng: " Coi chừng đặc công Việt cộng cắt cổ ".
2. Phá kho tàng, phương tiện, vũ khí không hoạt động
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai, ba
Thế kỷ XIII, Chúng ta không thể quên công lao của vị tướng với biệt tài bơi lội đã lập được nhiều chiến công lớn lao, được vua Trần ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân. Ông đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (một loài cá lớn ngày xưa).
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, con ông Phạm Hữu Hiệu, người thôn Hạ Bì và bà Vũ Thị Duyên, người huyện Thanh Hà. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai và ba, nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thuyền giặc trong đêm, mỗi thuyền phải đục khoảng trên 20 lỗ, đục được lỗ nào lại phải dùng giẻ đã cuộn tròn và dùng dây đút lút lại, những cuộn giẻ ấy được buộc lại với nhau bằng một sợi dây. Khi đục đủ số thuyền đã định, Yết Kiêu liền kéo dây làm những nút giẻ trôi ra khỏi thuyền, khiến hàng chục thuyền giặc bị đắm.
Số thuyền bị Yết Kiêu đánh đắm chủ yếu chở quân lương và vũ khí của giặc. Việc các chiến thuyền bị đánh đắm không chỉ gây tâm lý hoang mang trong quân giặc mà còn làm thiệt hại khối lượng không nhỏ lương thực, vũ khí, tàu chiến của chúng. Nhờ vậy, cái tên Yết Kiêu đã gắn liền với cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần hai, lần ba của nhà Trần.
Ở thời hiện đại
 Có nhiều trận đánh của quân ta nhằm tiêu diệt kho tàng, phương tiện và vũ khí của địch nhưng nổi tiếng nhất là trận đánh đặc công rừng Sác đã đi vào lịch sử và là chiến công hiển hách nhất của đặc công Việt Nam.
Rừng Sác được ví là nơi “rừng sâu nước độc” bởi bạt ngàn là rừng, xen lẫn và bao quanh là hàng chục con sông lớn, nhỏ, trong đó con sông Lòng Tàu có một vị trí chiến lược. Đây là tuyến đường để các tàu lớn nhỏ của địch từ Biển Đông vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược về nội thành và là vành đai bảo vệ cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn.
Ngày 15/4/1966, Đặc khu Quân sự Rừng Sác (Đoàn 10) ra đời với sứ mệnh đánh chìm tàu địch ngăn nguồn viện trợ vào nội thành Sài Gòn, đánh phá các kho tàng bến bãi quan trọng. 
Trong 9 năm, từ năm 1966 đến 1975, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã đánh hơn 1000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tàu chiến và phương tiện chiến tranh, nhưng nổi bật nhất là 2 chiến công: tiêu diệt tàu Baton Rouge Victory trọng tải 10.000 tấn, vốn được mệnh danh là “kho nổi di động” chở vũ khí, lương thực của Mỹ tăng viện cho chiến trường miền Nam và trận đánh kho xăng dầu Nhà Bè, đã thể hiện sự sáng tạo trong cách đánh, tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Rừng Sác.
Khoảng 8 giờ 8 phút ngày 23/8/1966, chiếc tàu lớn nhất Victory của địch chồm lên rồi quay ngang chìm nghỉm, kéo theo hàng nghìn tấn vũ khí, khí tài cùng khối lượng lớn lương thực xuống đáy sông. Trận đánh đã tạo nên cục diện mới cho ta trên chiến trường miền Nam. Còn trận đánh kho xăng dầu Nhà Bè ngày 3/12/1973 với việc tiêu hủy hàng trăm triệu lít xăng đã gây chấn động trong nước và dư luận thế giới bởi kho xăng dầu Nhà Bè được bảo vệ đặc biệt với lực lượng liên phòng hỗn hợp trên cạn, trên không, dưới nước, việc đột nhập vào kho xăng rộng lớn có sự bố phòng cẩn mật là vô cùng khó khăn và khi đã điểm hỏa tấn công thì việc rút ra cũng vô cùng mạo hiểm, không ai có thể ngờ bộ đội của ta có thể chấp nhận hi sinh và đột nhập thành công, điểm hỏa. Khu căn cứ Rừng Sác với sự “ngự trị” của bộ đội đặc công Việt Nam đã trở thành “tử địa” với kẻ thù.
3. Dùng động vật đánh địch
- Việt Nam ta có truyền thống sử dụng "vũ khí sinh học" từ rất sớm, và là những loài vốn rất gần gũi với cuộc sống thường ngày của người nông dân. Câu chuyện Nguyễn Xí dùng trâu đánh quân Minh lúc đêm tối là mở đầu ngoạn mục. Ông lợi dụng trời tối đeo gáo dừa sau đuôi, lục lạc trước ngực rồi đuổi chúng về phía trại giặc. Quân Minh dùng cung tên bắn ra theo chiều cao của người ngựa nên không trúng. Đến hừng sáng chúng thấy rõ bầy trâu thì đã hết tên. Nguyễn Xí lại lấy rơm buộc vào đuôi trâu rồi đốt, bầy trâu lồng lên đâm sầm vào trại giặc, đốt cháy hết lương thực mà chúng áp tải cho đại quân.
- Trong kháng chiến chống Pháp
Nguyễn Hữu Huân đã học theo cách đánh của Nguyễn Xí khi xưa, dùng một Ngưu binh thượng tướng chuyên huấn luyện trâu biết tiến thoái theo đội ngũ, gây cho giặc nhiều thiệt hại. Nhưng trâu bò không tránh nổi súng đạn. Cuối cùng “ngưu binh” bị thất bại hoàn toàn.
Nhưng ong thì lại khác. Trong một số trận càn của quân Mỹ, du kích hốt nguyên ổ ong vò vẽ đặt ở ven kênh rạch. Lính Mỹ dẫm phải trở nên hoảng loạn, nhảy xuống nước trốn thì mìn đã gài sẵn dưới đó. Và cho dù là ngày nay với một lực lượng bộ binh thông thường mà dính một bầy ong thì cũng khốn đốn.
4. Vườn không nhà trống và tiêu thổ kháng chiến
Kế “thanh dã” (vườn không nhà trống) là nghệ thuật quân sự được ông cha ta vận dụng sáng tạo, tài tình trong suốt lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhờ nghệ thuật này, chúng ta đã đánh thắng rất nhiều thế lực cướp nước hung bạo, đồng thời thể hiện nét đặc trưng trong nghệ thuật quân sự Việt Nam, một dân tộc nhỏ thường xuyên phải chống lại những kẻ thù rất mạnh.
Năm 1258, ba vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tiến vào xâm lược nước ta. Trước thế giặc mạnh, vua tôi nhà Trần tạm rút lui về vùng Phiên Mạc (Duy Tiên-Hà Nam) để bảo toàn lực lượng, phát động nhân dân thực hiện kế “thanh dã” để đánh giặc. Theo lệnh của triều đình, nhân dân kinh thành nhanh chóng sơ tán, thực hiện “vườn không nhà trống”. Vì thế, khi quân giặc tiến vào Thăng Long, trước mắt chúng chỉ là phố phường vắng lặng, không một bóng người, không một hạt thóc, kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” của giặc bị phá sản. Lương thảo hết, bọn giặc kéo ra ngoài thành cướp bóc, bị nhân dân đánh cho tan tác. Khi địch thực sự rơi vào tình thế nguy ngập, tinh thần rệu rã, quân dân nhà Trần mở cuộc phản cộng lớn ở Đông Bộ Đầu, đánh bật quân Mông Cổ ra khỏi Thăng Long. Hoảng hốt, địch vội ngược theo sông Hồng về phương Bắc, bị nhân dân ta chặn đánh nhiều nơi, tên nào sống sót cố sức chạy về bên kia biên giới, không còn nghĩ gì đến cướp bóc nữa.
Nhờ biết vận dụng sáng tạo kế “thanh dã” cùng nhiều hình thức tác chiến khác, chỉ trong vòng nửa tháng, quân dân nhà Trần đã đánh bại sự xâm lược của kẻ thù thuộc loại mạnh nhất lúc bấy giờ, nền độc lập chủ quyền được giữ vững.
- Tiêu thổ kháng chiến là chủ trương của Đảng và Chính phủ ta những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là việc tự mình phá hủy nhà cửa, cầu cống, đường sá... không cho Pháp lợi dụng thực hiện âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng. Việc tự mình phá hủy cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông khiến chúng ta tổn thất lớn nhưng là việc làm cần thiết, đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, bởi đã phần nào làm cản bước chân kẻ thù, giúp chúng ta có thêm thời gian chuẩn bị để kháng chiến lâu dài.
Đó là những cách đánh địch đầy trí tuệ, sáng tạo và vô cùng hiệu quả của nghệ thuật chiến tranh đỉnh cao Việt Nam. Việc “biết địch biết ta”, am hiểu và lợi dụng một cách tốt những gì mình có đã giúp chúng ta “bách chiến bách thắng”, giành những tháng lợi to lớn, vẻ vang nhất trước những kẻ thù hùng mạnh nhất, tưởng chừng như không thể thắng nổi. “Chiến tranh du kích” và những cách đánh địch chỉ có ở Việt Nam đã trở thành nét đặc sắc đầy tính nghệ thuật nhưng lại vô cùng tài tình và hữu hiệu của chiến tranh Việt Nam.  

2 nhận xét:

  1. Trong chiến tranh, nghệ thuật quân sự rất quan trọng, nó mang đến hiệu quả cao nhất cho thắng lợi cuối cùng

    Trả lờiXóa
  2. Việt Nam rất khôn khéo nên đã đánh lừa được địch và làm cho quân thù khiếp sợ

    Trả lờiXóa