Chiến tranh không chỉ là
quá trình chuẩn bị quân đội, vũ khí, chiến trường mà chiến tranh có tác động
đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, len lõi đến từng ngõ ngách nên nó là sự
thử thách toàn diện của mỗi quốc gia, dân tộc. Nếu chiến tranh không hiểu theo
đúng nghĩa của nó, sự huyền bí, sáng tạo trong từng trận đánh thì nhà cầm quân,
bên tham chiến không thể giành thắng lợi cao nhất và hoàn toàn được.
Do đó để
hiểu đúng nghĩa của chiến tranh thì mỗi người trong cả nước từ vua, quan lại và
nhân dân cần nhận thức đầy đủ bản chất, tính chất của chiến tranh và để giành
thắng lợi hoàn toàn nhất phải có sự đóng góp của toàn xã hội, mỗi lĩnh vực là
một mặt trận hẳn hoi: có người cầm binh, lực lượng chiến đấu, kế hoạch tác
chiến rõ ràng… Đó là nghệ thuật kết hợp chặt chẽ đấu tranh giữa các mặt trận nhằm
tạo ra sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi và là một phần của chiến tranh toàn
dân.
Chiến tranh Việt Nam
thời cổ, trung đại đã biết kết hợp nhuần nhuyễn và có hiệu quả cao các mặt trận
quân sự, chính trị, ngoại giao, địch vận để có đủ sức mạnh đánh thắng đối
phương.
Mặt trận quân sự, có tính quyết định
trực tiếp đến thắng lợi của chiến tranh, là quá trình tổ chức và xây dựng quân
đội, huy động lực lượng, điều động quân ra trận, thực hành các phương thức tác
chiến, các hình thức và thủ đoạn chiến đấu nhằm tiêu diệt sinh lực địch, tạo
đà, tạo thế, làm hậu thuẫn cho các mặt trận khác và chịu trách nhiệm trực tiếp
việc thành bại của cuộc chiến tranh. Quả thật, dân tộc ta từ đời này sang đời
khác luôn luôn trường kỳ, liên tục, tiến hành đấu tranh vũ trang chống những kẻ
thù xâm lược thường lớn mạnh hơn mình; và phần lớn các cuộc đấu tranh vũ trang
đó đều giành được thắng lơi vẻ vang. Tại sao tổ tiên chúng ta lại làm
được điều như vậy? Đó là, Tổ tiên ta (từ khởi nghĩa hai Bà Trưng năm 40 – 43)
luôn biết kế thừa, tiếp thu và phát huy những cái hay trong nghệ thuật tác
chiến không chỉ của ta mà còn cả của kẻ thù “lấy gậy ông, đập lưng ông”, nghệ
thuật đánh giặc đó đã không ngừng từng bước hoàn chỉnh và nâng cao; đến thời
đại Quang Trung thì nền nghệ thuật quân sự thời cổ, trung đại đã được
hoàn chỉnh và có trình độ cao. Ở mỗi thời kỳ, mỗi triều đại thì nghệ
thuật đánh giặc có những nét độc đáo riêng. Tác giả điểm qua đôi nét đặc sắc
một số cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đồng thời cũng trình bày những nét
độc đáo trong cánh đánh giặc của ông cha ta.
Nét đặc sắc của cuộc nổi
dậy thời Hai Bà Trưng là sức mạnh lớn lao của cuộc tổng nổi dậy vũ trang đồng
thời của toàn dân ở khắp miền đất nước, quật ngã quân thù cùng một lúc ở khắp
cả mọi nơi, đập tan ngay chính quyền thống trị trung ương, làm quân địch trở
tay không kịp. Đòn quyết định do hai Bà Trưng lãnh đạo đã tiêu diệt ngay cơ
quan đầu não, sào huyệt lớn nhất của quân thù, vì thế mà đã giành được thắng
lợi hoàn toàn và nhanh chóng.
Nét đặc sắc của Lý
Thường Kiệt là tư tưởng tiến công rất cao “tiên phát chế nhân”. Ông
luôn luôn chủ động, tích cực, liên tục tấn công kẻ thù, đánh phủ đầu quân xâm
lược khi chúng chưa kịp hành động và dù trong thế bị kẻ thù tiến công, ông cũng
quyết liệt phản công lại kẻ thù một cách nhanh chóng.
Nét đặc sắc của Trần
Hưng Đạo là biết phân tán, làm cho địch lâm vào hoàn cảnh mệt mỏi, mặc dù quân
đội có hung mạnh, làm chúng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, lúng túng,
rồi thực hành phản công. Hơn thế, Trần Hưng Đạo còn biết phát động toàn dân
đánh giặc bên cạnh lực lượng quân đội của triều đình, tạo thành thế đánh
giặc “song kiếm hợp bích” tức lực lượng quân đội triều đình và
lực lượng quần chúng nhân dân luôn sát cánh bên nhau trong quá trình chiến đấu.
Có thể khẳng định rằng Trần Hưng Đạo là một vị chỉ huy tài ba, ông rất giỏi chỉ
huy các binh đoàn lớn đánh vận động, do đó khi đối mặt với giặc Mông - Nguyên,
Trần Hưng Đạo luôn biết cánh giành thắng lợi, cho dù thế giặc có mạnh đến đâu.
Triều đại nhà Trần đã để
lại cho dân tộc Việt Nam những trang sử hào hùng, vẻ vang, chói lọi; những bài
học kinh nghiệm trong nghệ thuật đánh giặc, làm nền tảng vững chắc cũng như làm
phong phú, da dạng cho nghệ thuật đánh giặc của các thế hệ sau này. Trận chiến
ở Chương Dương, Bạch Đằng…là những trận chiến nổi tiếng, mãi mãi đi vào những
trang sử chói lọi dân tộc.
Bước sang thời kỳ kháng
chiến chống giặc Minh của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, tiếp tục kế thừa và phát huy
những truyền thống quý báo của dân tôc Việt Nam từ ngàn xưa đó là luôn biết dựa
vào nhân dân chiến đấu, luôn có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của quần chúng
nhân dân, phát động nhân dân khởi nghĩa giành lại nền độc lập cho dân tộc đã bị
triều đại nhà Hồ đánh mất. Nhìn chung, cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê
Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo có những nét tương đồng với cuộc chiến chống giặc
Mông - Nguyên của triều đại nhà Trần, đó là nghệ thuật tác chiến vận động. Tuy
nhiên, trong cuộc chiến chống giặc Mông - Nguyên của triều đại nhà Trần có sự
phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân đội triều đình và lực lượng nhân dân còn
cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo thì chỉ có
lực lượng nhân dân, tạo thành phong trào khởi nghĩa nông dân lớn nhất trong
lịch sử dân tộc, đây là nét khác biệt rất rõ rệt.
Ở đây, tác giả trình bày
một vài điểm hay, độc đáo trong cuộc khởi nghĩa của Lệ Lợi - Nguyễn Trãi là hai
ông rất giỏi kết hợp quân sự với chính trị; tác chiến với binh, địch vận “mưu
phạt tâm công” đây là thuật ngữ đã được dùng trong tác phẩm
“Bình Ngô đại cáo”, thuật ngữ ấy đã trình bày một đường lối chiến lược
của nghĩa quân Lam Sơn, không đánh thành mà đánh vào lòng người là
chiến lược tiến công rất nhất quán của nghĩa quân Lam Sơn ngay từ đầu cho đến
khi chiến tranh kết thúc. Lê Lợi cũng từng có chủ trương “đánh thành là
hạ sách”; và đặc biệt là rất giỏi về đánh du kích, rồi từ du kích tiến lên
đánh tập trung. Tác chiến tập trung là tác chiến đánh vận động.
Đặc điểm nổi bật của
đánh vận động thời kỳ kháng chiến chống giặc Minh là rất mưu trí, biết chọn mục
tiêu, chọn đối tượng tiến công thích hợp để giành thắng lợi, đó là thế trận
chiến lược của đòn quyết chiến cuối cùng tiêu diệt đạo quân chủ lực của quân
địch do Liễu Thăng chỉ huy ở Chi Lăng. Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra
cuộc khởi nghĩa, Lê Lợi – Nguyễn Trãi cũng đã tổ chức được các tập đoàn chiến
lược khác nhau để bao vây chia cắt quân thù, phân tích chính xác các đối tượng
tiến công và biết vận hành các cách đánh khác nhau đối với từng đối tượng, khi
không cần thiết thì có thể phân tán lực lượng tiến hành đánh du kích và khi
thời cơ đến thì biết tập trung trở thành lực lượng quân sự mạnh để tiêu diệt
gọn quân thù giành thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến lâu dài vĩ đại.
Đến thời kỳ Quang Trung
thì nét độc đáo của cách đánh giặc là tư tưởng tiến công cao, tiến công kiên
quyết, giỏi đánh công thành, đánh nhanh, đánh chớp nhoáng, giỏi cơ động các
binh đoàn lớn thần tốc, táo bạo, bất ngờ. Điều này được lịch sử dân tộc ghi lại
rất rõ ràng khi ba anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) đập tan
các tập đoàn phong kiến thối nát trong nước đó là tập đoàn phong kiến Chúa
Nguyễn ở Đàng Trong và vua Lê - Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thì ngay sau đó Tây
Sơn đã đánh tan 5 vạn quân Xiêm do hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương lãnh đạo
tràn vào xâm lược nước ta với chiến thắng rất vẻ vang ở trận Rạch Gầm – Xoài
Mút (Mỹ Tho) vào năm 1784 – 1785; tiếp đó là đại phá 29 vạn quân Thanh theo
chân Lê Chiêu Thống vào xâm lược nước ta, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc kỷ
nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau.
Những
thắng lợi về mặt quân sự đã góp phần cổ cho các mặt trận khác giành thắng lợi
và ngược lại. Như vậy, có thể khẳng định rằng giữa các mặt trận luôn có mối
liên hệ chặt chẽ với nhau, mặt trận nào cũng quan trọng như nhau và ông cha ta
luôn biết cách vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tạo thành
những thắng lợi vẻ vang, lưu danh ngàn thu. Để có được những thắng lợi trên mặt
trận quân sự thì có bóng dáng của các mặt trận chính trị, ngoại giao, binh vận.
Mặt trận chính trị, đòi hỏi phải thường
xuyên tuyên truyền cho tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của ta nhằm tập
hợp sức mạnh toàn dân tộc. Mặt trận chính trị hoạt động tốt có vai trò góp phần
tang cường, củng cố nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đủ sức lãnh đạo
kháng chiến. Mặt trận chính trị là cơ sở tạo ra sức mạnh quân sự để các triều
đại phong kiến thời Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn giành chiến thắng trong chống
giặc ngoại xâm. Các triều đại luôn biết nêu cao ngọn cờ nghĩa để chống lại “kẻ
hung tàn” thoả mãn ý nguyện bảo vệ Tổ quốc của nhân dân.
Mặt trận ngoại giao, người Việt luôn tự
hào ông cha ta không chỉ đánh giặc giỏi mà ngoại giao cũng tài, nhất là trong
hoàn cảnh ở cạnh một lớn luôn có tư tưởng bành trướng (các đế chế phong kiến
phương Bắc), đòi hỏi ông cha ta có nghệ thuật ngoại giao khôn khéo, được lợi
cho dân tộc mà không làm ảnh hưởng đến tình cảm ban giao giữa hai nước. Thực tế
Đại Việt và Trung Hoa là hai nước láng giềng, nhưng một bên là tông chủ,
một bên là chư hầu phải thuần phục Trung Quốc, đó là nhân tố quyết định chính
sách đối ngoại của ta với thiên triều.
Điều đáng nói là có khi
Đại Việt muốn giữ yên phận, sống thanh bình bên cạnh một nước lớn, hàng năm đều
thực hiện nghĩa vụ cống nạp hậu hĩnh nhưng sự đời nào đâu như ta nghĩ Trung Hoa
luôn nuôi tham vọng thôn tính nước ta, như thế thì đúng là “cây muốn lặng, gió
chẳng muốn dừng”, quá nhiều lần hình ảnh bất thiện cảm của các đế chế Trung Hoa
in đậm trong tâm tư người Việt, hầu như không triều đại nào ở Trung Hoa không
một lần đặt chân lên biên giới Việt – Trung; kém may mắn là thế nhưng ta nào
khiếp nhược khi tư tưởng xuyên suốt trong đấu tranh ngoại giao mà ông cha ta
vận dụng là: giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc kết hợp với mặt trận quân sự,
kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Các cuộc chiến tranh lớn cùng thiên
triều, phần lớn thắng lợi thuộc về Đại Việt và các triều đại phong kiến nước ta
cũng hiểu được cái gọi là “vuốt mặt cũng phải nể mũi” thì mới giảm bớt thảm họa
chiến tranh về sau. Do đó, sau mỗi lần đến đỉnh điểm của thắng lợi, các tướng
lĩnh luôn thực hiện chiêu thức “xin cầu hoà” để giữ thể diện cho nước lớn. Đó
cũng được xem là một trong những kế sách giữ nước hoà bình lâu dài.
Mặt trận địch vận, bên cạnh những
thắng to lớn về quân sự ông cha ta còn biết phát huy cao độ nhân tố chính nghĩa
của cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta; một mặt không ngừng
nêu cao bản chất chính nghĩa của ta, mặt khác không ngừng vạch trần tội ác, âm
mưu thâm độc của kẻ thù, cô lập phân hoá nội bộ của chúng, làm cho chúng mạnh
mà hoá yếu. Đây là một trong những diệu kế mà ông cha ta đã từng vận dụng trong
kháng chiến như: trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống, Lý Thường Kiệt đọc bài
“Nam Quốc Sơn hà” làm siêu lòng quân Tống bên bờ sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày
nay); hay trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thì Lê Lợi, Nguyễn Trãi luôn
đặt mặt trận địch vận lên một vị trí rất cao, tiến hành rất kiên nhẫn và có hệ
thống chiến lược “đánh vào lòng người”, qua tác phẩm “Bình Ngô đại cáo”
đã thể hiện rõ điều đó.
Tóm lại, nếu như trong
chiến đấu mặt trận quân sự là yếu tố quyết định giành thắng lợi trong cuộc
chiến tranh thì các mặt trận chính trị, ngoại giao, địch vận càng tô đậm thêm
những thắng lợi vẻ vang đó, nhưng mỗi mặt trận đều có tầm quan trọng như nhau,
chúng ta không được xem nhẹ hoặc chỉ coi trọng một mặt trận nào, phải luôn kết
hợp các mặt trận với nhau trong quá trình tác chiến đánh bại từng ý đồ xâm lược
của kẻ thù, cho dù kẻ thù đó có mạnh hơn ta nhiều lần, để lại cho hậu thế những
bài học quý báo trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
Nghệ thuật kết hợp đấu tranh rất quan trọng, nó quyết định sự thắng lợi của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng, tôi cũng nghĩ như vậy
Xóa