Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

QUYẾT TÂM DIỆT TÀU ĐỊCH

Tổ chiến đấu Đội 1 của Đoàn 126 chuẩn bị vũ khí
            đánh tàu địch
Khu vực cảng Cửa Việt, địch bố phòng nghiêm ngặt, bởi đây là nơi các tàu trọng tải cỡ lớn của Mỹ chuyên chở vũ khí, hàng hóa phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đầu tháng 9-1969, giữa lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thì một tin đau xé lòng đến với bộ đội và nhân dân cả nước: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "biến đau thương thành hành động cách mạng", toàn Quân chủng Hải quân đã dấy lên Phong trào thi đua "Lập công đền ơn Bác Hồ".
Một trong những thành tích tiêu biểu nhất trong dịp này của quân chủng thuộc về cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) là đánh chìm chiếc tàu dầu 15.000 tấn trên biển Cửa Việt (thuộc thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), ngày 8-9-1969.
Khu vực cảng Cửa Việt, địch bố phòng nghiêm ngặt, bởi đây là nơi các tàu trọng tải cỡ lớn của Mỹ chuyên chở vũ khí, hàng hóa phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thường xuyên vào ra. Các chiến sĩ trinh sát Đội 1 đã phát hiện tại đó có chiếc tàu USS Noxubee trọng tải 15.000 tấn chở dầu cho Mỹ-ngụy vừa cập bến, đậu cách cảng Cửa Việt 2km.
Vào lúc 19 giờ ngày 6-9-1969, tại một điểm xuất phát ở Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), tổ chiến đấu của Đội 1 gồm 3 đồng chí: Bùi Văn Hy, Trần Xuân Hỗ và Trần Quang Khải, do đồng chí Bùi Văn Hy làm tổ trưởng bơi ra biển tiếp cận tàu địch.
Mỗi người mang theo ống thở, khí tài lặn, hai thủ pháo, hai lựu đạn, dao găm… Riêng hai đồng chí Hỗ và Khải nhận thêm hai quả mìn rùa nặng 6,8kg của Liên Xô sản xuất. Đây là loại vũ khí rất lợi hại của đặc công nước, có ghép 48 mảnh nam châm hình móng ngựa, có sức hút 100kg.
Khi mìn đã áp vào sườn tàu, rút chốt an toàn, đúng giờ sẽ nổ, nếu chưa đến giờ nổ mà bị tháo gỡ mìn cũng sẽ tự phát nổ bởi nó có ngòi chống tháo. Để chuẩn bị cho trận đánh này, trước đó, đồng chí Trần Quang Khải được giao nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình, do đó tổ chiến đấu đã đề ra kế hoạch đánh tàu cụ thể, chặt chẽ.
Sau một ngày ẩn giấu, đêm 7-9-1969, tổ đánh tàu xuất phát hướng về mục tiêu. Nhưng cả 3 người bơi được hơn 100m thì gặp gió to, sóng lớn, nước chảy xiết, không thể vượt lên được, cả tổ đành quay lại bờ ẩn nấp thêm một ngày.
Đêm hôm sau, tổ lại tiến vào vị trí xuất phát. Đồng chí Hỗ và Khải bơi ra biển, nhằm thẳng hướng sáng ngoài khơi nơi tàu USS Noxubee thả neo. Đồng chí Hy ngồi trên một chiếc thuyền của ngư dân bỏ lại trên bãi, cảnh giới, theo dõi. Hình bóng Bác Hồ kính yêu, những lời dạy của Người như thúc giục, động viên các đồng chí bước vào trận đánh.
Sau gần 5 giờ bơi, vật lộn với sóng gió, tổ chiến đấu đã tiếp cận tàu, gắn mìn rùa rồi rút lui. Vài giờ sau, từ chiếc tàu vận tải USS Noxubee trọng tải 15.000 tấn phát ra hai ánh chớp, kèm theo hai tiếng nổ lớn rung chuyển cả mặt biển.
Cột lửa bùng lên từ con tàu chở dầu sáng cả một vùng. Do bị địch truy tìm và sóng cuốn, đồng chí Khải và Hỗ lạc nhau, phải đến tối, ba anh em mới gặp nhau ở địa điểm quy định. Rạng sáng 10-9, ba người tìm cách luồn lách qua những ổ phục kích của địch trở về bờ bắc an toàn. Ngay trưa hôm đó, cả tổ đến trước bàn thờ Bác Hồ thành kính báo công với Bác.
Đây là trận đánh bằng kỹ thuật đặc công đầu tiên ở ngoài biển của Đoàn 126. Các chiến sĩ tham gia trận đánh đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Riêng đồng chí Trần Quang Khải lập công xuất sắc nhất được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp và khen ngợi. Năm 2015, đồng chí Trần Xuân Hỗ và Trần Quang Khải được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.


2 nhận xét:

  1. Biến đau thương thành hành động, các chiến sỹ đặc công đã lập nên kỳ tích đó là đánh chìm tàu 15000 tấn của địch

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn những việc làm rất dũng cảm và mưu trí, sáng tạo của các chiến sỹ đặc công đã làm nên kỳ tích này

    Trả lờiXóa