Ông Sâm tự hào vì được Chính phủ trao tặng nhiều huân chương |
Chiến tranh đã lùi xa nhưng cựu chiến binh Phạm Chí Sâm (72 tuổi, phường
Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột- Đắk Lắk), nguyên là trợ lý trinh sát Trung đoàn
234 (Pháo cao xạ) vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ trong thời binh lửa.
Ông Sâm từng tham gia các chiến dịch lớn như: Chiến dịch Xuân
Mậu Thân 1968; “Mùa hè đỏ lửa” 1972 ở Thành cổ Quảng Trị; Chiến dịch Tây Nguyên
và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975.
Một căn cứ quân sự của địch tại
Buôn Ma Thuột bị quân ta đánh tan trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 |
Được biết, sân bay Hòa Bình do người Pháp xây dựng năm 1950, nằm
cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 10km về phía đông. Năm 1968, chính quyền
Mỹ-ngụy phục hồi lại và đưa vào sử dụng sân bay này với chức năng là căn cứ chỉ
huy không quân. Đây là nơi quân địch dùng làm đường rút chạy khi cần thiết cũng
như tăng quân bằng đường không để yểm trợ cho các chiến trường lân cận.
Ông Sâm kể, vào ngày 9/3/1975, sau khi giải phóng Đức Lập (cửa
ngõ Tây Nam của Đắk Lắk), Trung đoàn 234 được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên
(B3) yêu cầu hành quân thần tốc đến mặt trận Buôn Ma Thuột để phối hợp với Đại
đội tên lửa cá nhân A72, Trung đoàn 66 và 149 (một bộ phận của lực lượng của
pháo binh, thiết giáp, phòng không đã từng chiến đấu ở mặt trận Đức Lập) nắm
tình hình, lên kế hoạch tiêu diệt địch.
Khi đơn vị đến điểm hội quân, các trinh sát của quân ta báo về
rằng, trong sân bay Hòa Bình có căn cứ 53 rất kiên cố, quân địch tập trung
nhiều lực lượng và hỏa lực mạnh ở điểm này để bảo vệ sân bay, chống trả những
tấn công từ bên ngoài.
Sau khi bàn bạc, thống nhất phương án tác chiến, khoảng 2h10ph
ngày 10/3, quân ta bắt đầu nổ súng, tấn công và làm chủ một phần sân bay; một
bộ phận khác của quân ta đánh căn cứ 53 nhưng bị địch phản kích dữ dội, thiệt
hại nhân lực nhiều.
Trước tình hình đó, các đơn vị của ta đã họp bàn, thay đổi
phương án tác chiến để giảm tổn thất về lực lượng, rút ngắn thời gian chiến
đấu. Trong đó, đơn vị của ông Sâm-Trung đoàn phòng không 234 nhận nhiệm vụ tạo
“lưới lửa phòng không”, ngăn chặn máy bay địch tiếp tế cho căn cứ 53 và đổ bộ
đường không. Đại đội tên lửa cá nhân A72 được bố trí sát hàng rào sân bay để
đánh, ngăn chặn khả năng đổ bộ hàng không của địch. Trung đoàn 66-một đơn vị
thành thạo đánh những công sự vững chắc phối hợp cùng Trung đoàn 149 để bố trí
bộ binh, tấn công tiêu diệt căn cứ 53 của địch.
Đến đêm 16/3/1975, hỏa lực pháo binh mặt đất của quân ta bắt đầu
bắn vào căn cứ 53. Do bầu trời bị khống chế bằng lưới lửa phòng không của Trung
đoàn 234, máy bay tiếp tế cho binh lính địch trong căn cứ 53 phần lớn đều không
tiếp cận được mục tiêu. Một số máy bay khác của địch đều thả hàng tiếp tế nhầm
vào quân ta vì phải bay cao để tránh pháo. Sau khi cô lập địch, các mũi tấn
công của quân ta dưới sự yểm trợ của xe tăng, pháo binh đã xung phong, tiêu
diệt được căn cứ 53, làm chủ toàn bộ khu vực sân bay Hòa Bình vào ngày
17/3/1975.
Thắp sáng truyền thống anh hùng
Ông Sâm sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện
Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1965, ông nhập ngũ, được huấn luyện 6 tháng
thì tham gia vào Tiểu đoàn 16 (Tiểu đoàn Pháo cao xạ 37 ly). Sau đó, ông cùng
đồng đội tham gia bảo vệ các cao điểm khốc liệt như cua chữ A, đèo Pu-La-Nhích
trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa.
Đầu những năm 1970, theo yêu cầu của cấp trên, Tiểu đoàn 16 được
sát nhập vào Trung đoàn Pháo cao xạ 234 (nay là Lữ đoàn Pháo cao xạ, thuộc Bộ
Tư lệnh B3). Năm 1972, đơn vị của ông Sâm được lệnh hành quân vào Kon Tum, phối
hợp với các lực lượng khác tham gia chiến dịch Đắk Tô-Tân Cảnh-một căn cứ quân
sự mạnh nhất của quân địch ở phía Bắc vùng Tây Nguyên.
Năm 1974, ông Sâm cùng đơn vị tiếp tục hành quân sang Đắk Lắk
chiến đấu. Đến giữa tháng 3/1975, sau khi giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột (nay
là TP.Buôn Ma Thuột), ông Sâm cùng Trung đoàn Pháo cao xạ 234 tiếp tục hành
quân xuống tham gia chiến đấu ở các mặt trận quan trọng như: Đèo Phượng Hoàng,
Nha Trang, Cam Ranh. Sau đó, đơn vị của ông Sâm tiếp tục vào Sài Gòn (nay là
TP.HCM), hỗ trợ cho bộ đội chủ lực của quân ta đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất,
Bộ Tổng tham mưu ngụy, giành chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975,
thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Sâm trở lại Đắk Lắk định cư,
lập gia đình. Ông từng có thời gian dài giữ chức Tổ trưởng Tổ dân phố 5 (Phường
Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột), có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, phát
triển quê hương.
Với những cống hiến của mình cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng
dân tộc, ông Sâm được tặng nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Chiến sỹ
giải phóng hạng Nhì năm 1975, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1984…
Ông chia sẻ: “Chiến tranh đã lùi xa, nhưng để có được ngày hôm
nay, biết bao thế hệ cha ông chúng ta đã phải ngã xuống, đã hy sinh xương máu
cho dân tộc. Đó là những trang sử hào hùng của Tổ quốc, những năm tháng cam go,
gian khổ nhưng oanh liệt, vút cao ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt
Nam. Tôi may mắn còn sống sót để trở về thì chẳng cầu cạnh gì nữa. Tôi được
chiến đấu, được tận mắt thấy cờ Tổ quốc tung bay trên Dinh Độc lập ngày 30/4 là
hạnh phúc nhất rồi. Chỉ mong sao thế hệ con cháu sau này sẽ giữ mãi hào khí của
dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước, nhớ công ơn của thế hệ
trước để góp trí lực xây dựng Tổ quốc”.
Những người còn sống sót trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước rât bồi hồi khi nhớ lại những chiến công thời trước; với họ điều đó không bao giờ quên
Trả lờiXóaNhững trận đánh oai hùng như trận này sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm trí những người đã từng tham gia
Trả lờiXóa